Hà Nội thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông
Đời sống - Ngày đăng : 06:36, 04/09/2012
Đường Vành đai 3 trên cao giai đoạn 2, công trình giao thông trọng điểm giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông của Thủ đô. Ảnh: Huy Hùng |
Phấn đấu giảm thêm 27 điểm ùn tắc giao thông
Ùn tắc lâu nay vẫn là vấn đề bức xúc đối với giao thông Thủ đô. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Thời gian qua, TP đã tập trung thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp như phân làn phương tiện; điều tiết hoạt động của các phương tiện taxi, xe tải ra vào một số tuyến phố một số giờ nhất định trong ngày; rà soát, sắp xếp lại điểm đỗ xe; cải tạo hạ tầng, lắp đặt đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông tại một số nút quan trọng; xây dựng và đưa vào khai thác 2 cầu vượt bằng kết cấu thép tải trọng nhẹ… Nhờ đó, tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) đã giảm đáng kể. Số điểm ùn tắc giảm từ 134 điểm xuống còn 89 điểm. Đây chính là những kết quả rất đáng khích lệ và là cơ sở để Sở GTVT tiếp tục đề xuất TP đặt mục tiêu giảm tối thiểu 27 điểm UTGT và 40% thời gian ùn tắc trong giai đoạn từ nay tới năm 2015.
Theo báo cáo của UBND thành phố, những cố gắng thời gian qua đã góp phần cải thiện tình hình giao thông Thủ đô. Chính phủ và Bộ GTVT đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng UTGT vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra khá phổ biến và tập trung vào khu vực nội đô từ đường Vành đai 3 trở vào và trên các trục hướng tâm ra vào thành phố. Nguyên nhân chính là do kết cấu hạ tầng GTVT còn thiếu và chưa đồng bộ. Hiện tại diện tích đất dành cho giao thông khu vực nội đô mới đạt 7-8% đất xây dựng đô thị, trong khi theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt là 20-26%. Mạng lưới đường có nhiều nút giao và chủ yếu là giao đồng mức (toàn thành phố có 2.150 nút giao, trong đó chỉ có 6 nút giao khác mức và 214 nút giao có lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông). Phương tiện giao thông tăng quá nhanh (khoảng 13-15%/năm), trong đó xe máy là phương tiện phổ biến (chiếm 70%), đi lại bằng xe buýt chiếm 10% và bằng xe ô tô con chiếm 8%. Dòng phương tiện lưu thông rất hỗn độn, không tách làn nên khó khăn cho tổ chức giao thông, dễ gây ra ùn tắc. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế…
Thi công cầu vượt nút giao thông Trần Duy Hưng - Láng - Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Huy Hùng |
Huy động gần 2.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2012-2015
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm UTGT, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là phải tăng cường quản lý và điều hành giao thông. Các công nghệ hiện đại sẽ được quan tâm đầu tư để nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý vi phạm. Thành phố sẽ cải tạo, lắp đặt hệ thống camera ở 200 nút giao để giám sát tình trạng UTGT, tình trạng vi phạm của phương tiện; xây dựng bản đồ điện tử kỹ thuật số để theo dõi, đánh giá tình trạng UTGT (nhất là khu vực phía trong đường Vành đai 3 và các trục giao thông hướng tâm) nhằm kịp thời điều tiết giao thông cho phù hợp, giảm thời gian ùn tắc kéo dài. Lắp đặt hệ thống đèn điều khiển giao thông độc lập tại 40 nút có mật độ phương tiện qua lại cao, kết hợp với lắp camera giám sát kết nối với Trung tâm Điều khiển tín hiệu giao thông chung…
Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, sẽ đặc biệt ưu tiên các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách. Đó là các tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, Hoàng Cầu - Voi Phục); đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Bưởi - Cầu Giấy, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy); đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Pháp Vân và mở rộng đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long - Nội Bài. Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các tuyến đường trục chính đô thị gồm: Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, Tôn Thất Tùng kéo dài đến đường Vành đai 3, Kim Mã - Trần Phú, Sơn Tây - Liễu Giai - Núi Trúc… Tập trung xây dựng 8 cầu vượt tại các nút trọng điểm và các bãi đỗ xe trong khu vực nội đô; xây dựng các bãi đỗ xe lắp ghép cao tầng, xếp dỡ tự động tại một số khu vực thích hợp và khu dân cư, khu đô thị nhằm giải quyết ngay nhu cầu đỗ xe của nhân dân. Từng bước di chuyển các bến xe ra ngoài trung tâm thành phố và không để xe ô tô khách ngoại tỉnh qua thành phố vào bến xe nội đô. Đối với vận tải hành khách công cộng, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa đưa vào khai thác trong năm 2013. Triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội); đồng thời phối hợp với Bộ GTVT thực hiện tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo…
Ước tính, tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2012-2015 là 1.944 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 1.500 tỷ đồng dành cho đầu tư xây dựng cơ bản; 386 tỷ đồng cho tổ chức quản lý và điều hành giao thông; 20 tỷ đồng cho công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông…
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh: Đây đều là các dự án cấp bách, có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu UTGT trong các năm tới, cần được ưu tiên bố trí đủ vốn và tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện đúng tiến độ. Ngoài nguồn vốn ngân sách, cần tranh thủ nguồn vốn ODA và huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư theo hình thức BT-BOT-PPP. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác các bến, bãi đỗ xe và cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng…