Vẫn khó tìm việc làm
Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 04/09/2012
Theo Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ NKT Việt Nam (NCCD), hiện cả nước chỉ có 55 cơ sở chuyên biệt tham gia dạy nghề cho NKT. Cơ sở đào tạo nghề vốn đã ít, hoạt động không hiệu quả nên số NKT được học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp. Năm 2010, có 49.245 NKT tham gia học nghề, năm 2011 con số này là 10.000 người. Ước tính hiện có tới 93% NKT chưa qua đào tạo nghề.
Trong số NKT đã qua đào tạo nghề chỉ có khoảng 1,22% có trình độ kỹ thuật đủ đáp ứng nhu cầu công việc (0,61% tốt nghiệp từ các trường CĐ, ĐH và 0,53% tốt nghiệp trường dạy nghề...). Thực trạng này dẫn đến tỷ lệ NKT không tìm được việc làm khá cao. NKT có việc làm phù hợp và ổn định chỉ chiếm 15% tổng số NKT có việc làm, số này chủ yếu làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của NKT.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực NKT thì hiện công tác dạy nghề cho NKT chưa thực sự được cải thiện; dạy nghề cho NKT vẫn ghép chung với các nhóm đối tượng khác, chưa xây dựng chương trình dạy nghề riêng; nghề dạy cho NKT chưa gắn với thị trường lao động; nhu cầu học nghề của NKT có xu hướng tăng chậm. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành mức hỗ trợ học nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia (áp dụng theo Thông tư liên tịch 19/2005/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BKHĐT) thấp, không đủ chi phí cho việc mua sắm nguyên vật liệu, hỗ trợ NKT đi lại, ăn ở khi học nghề, do vậy chưa khuyến khích, tạo điều kiện cho NKT tham gia học nghề.
Hiện cả nước mới có 7 tỉnh, thành phố thành lập và bố trí kinh phí Quỹ việc làm cho NKT, gồm Quảng Ninh hơn 8 tỷ đồng, Bắc Ninh hơn 2,8 tỷ đồng, Hải Dương 600 triệu đồng, Hà Tĩnh 300 triệu đồng, Bình Định 1 tỷ đồng, Gia Lai 454 triệu đồng và Đồng Nai 400 triệu đồng. Sự chậm trễ trong việc thành lập Quỹ việc làm cho NKT khiến nhiều NKT không có cơ hội học nghề và tìm được việc làm, khiến NKT gặp khó khăn trong việc ổn định cuộc sống. Mặc dù cách nhìn nhận của xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng nhìn chung người sử dụng lao động vẫn còn e dè khi sử dụng lao động khuyết tật vì nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do chính là các doanh nghiệp không hoặc chưa có việc làm phù hợp với NKT; vẫn tồn tại quan niệm người không khuyết tật còn khó tìm được việc làm huống hồ người khuyết tật.
Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 250.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp; kinh phí dạy nghề cho NKT được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, với mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học... Đề án này sẽ giúp NKT có thêm nhiều cơ hội được học nghề, có việc làm ổn định, vươn lên trong cuộc sống.