Văn học đề tài lịch sử: Tinh thần tự tôn của dân tộc!

Văn hóa - Ngày đăng : 08:50, 02/09/2012

(HNM) - Nhà văn Nguyễn Trường Thanh là tác giả của 8 cuốn tiểu thuyết lịch sử gắn liền với xứ Lạng, liên tục từ những năm 1980 đến nay. Ông đã tìm kiếm và tái hiện nhiều chân dung anh hùng cách mạng mà sử sách với sự ngắn gọn của nó chỉ có thể nói một cách khô khan.


- Thưa nhà văn, 8 cuốn tiểu thuyết về các nhân vật lịch sử quả là một gia tài không nhỏ. Vì sao ông lại chọn lịch sử để bước vào địa hạt văn chương?

- Tôi yêu lịch sử từ nhỏ, rồi lớn lên học văn sử và trở thành thầy giáo dạy văn sử. Hình tượng các nhân vật lịch sử đã trở thành điểm tựa tinh thần cho tôi từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Họ là phần hồn của dân tộc mà có lẽ ta cũng rất khó định nghĩa, chỉ có thể cảm nhận được thôi. Nhân cách của họ, sự anh dũng sẵn sàng hy sinh vì nghĩa cả của họ luôn thôi thúc tôi sống sao cho xứng đáng. Vì vậy khi cầm bút viết văn, một cách tự nhiên họ đã lặng lẽ bước vào trang sách của tôi.

- "Hoa trong bão", "Tướng không phong hàm", "Hoa bất tử"… đều tái hiện cuộc đời các vị anh hùng cách mạng. Hình như ông dành nhiều tâm huyết và tình cảm cho họ?

- Vâng! "Hoa bất tử" tái hiện cuộc đời đồng chí Hoàng Văn Thụ, "Tướng không phong hàm" chia sẻ với bạn đọc cuộc đời nhà cách mạng xuất sắc Lương Văn Tri - vị chỉ huy cao nhất của Chiến khu Bắc Sơn và Cứu quốc quân I, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Ông hy sinh khi mới 31 tuổi, chưa một lần đeo quân hàm, cấp bậc, nhưng những đóng góp của ông thật lớn lao. Các bậc tiền bối cách mạng có một điểm chung là lặng lẽ đóng góp và luôn sẵn sàng hy sinh vì đất nước, không mưu cầu gì cho mình. Họ lớn lao vô cùng nhưng nhiều khi những gì ta biết về họ còn rất hạn chế. Tôi mong rằng qua trang sách của mình, bạn đọc nhất là thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn, gần hơn với các anh hùng cách mạng. Từ đó thêm tự hào mà học tập, cống hiến cho đất nước và tự tin bước ra thế giới.

- Tiểu thuyết lịch sử luôn phải song hành hai yêu cầu tính chân thực của lịch sử và trí tưởng tượng, sức lay động của văn học. Ông giải quyết mối quan hệ ấy thế nào trong tác phẩm của mình?

- Tất cả nhân vật có công với đất nước tôi đều say mê tìm hiểu, tích lũy mỗi ngày, đến khi nào thấy có cảm hứng thì bắt tay vào viết. Xứ Lạng là vùng đất phên dậu của đất nước, vì vậy nơi đây thường đón tiếp rất nhiều vị lãnh đạo vốn là những nhân chứng gắn liền với mỗi bước thăng trầm của cách mạng. Tôi luôn tranh thủ cơ hội để tiếp xúc với họ, nghe họ kể và ghi chép lại. Rất may là nhiều đồng chí khi lên Lạng Sơn cũng đã dành thời gian để trao đổi với tôi về đề tài này. 

Tuy nhiên, tài liệu chỉ là một bước, điều quan trọng nhất đối với người viết là phải có một kiến văn sâu rộng để cảm được tầm vóc nhân vật, để tái hiện chân thực không khí xã hội, lối nói, lối ứng xử, tâm tính của họ. Và như vậy, tưởng tượng cũng chỉ là một cách để chắp cánh cho hình tượng nhân vật mà mình xây dựng nên trên nền của sự thật mà thôi.

- Ông vừa hoàn thành truyện dài "Dặm dài ải Bắc" về Đại tá Đào Đình Bảng, một vị lão thành cách mạng. Nhân vật lịch sử tiếp theo của ông sẽ là ai, thưa nhà văn?

- Tôi có một niềm vui lớn là sau khi ra mắt cuốn sách "Dặm dài ải Bắc" ít lâu, thì được tin nhân vật của mình được phong Anh hùng Lao động. Đối với tôi, phía trước còn rất nhiều chiến sĩ cách mạng mà cuộc đời của họ nếu được tái hiện chân thực, sâu sắc thì có thể làm rung động hết thảy chúng ta. Một người "khổng lồ" mà bình dị nữa mà tôi đang dốc sức tái hiện chính là "Nguyễn Vỹ - Phùng Chí Kiên". Con người này kỳ diệu lắm, nhưng tài liệu lại vô cùng ít… Tôi đang nỗ lực để cuối năm nay có thể ra mắt bạn đọc.

- Hội đồng Lý luận VHNT TƯ đang chuẩn bị cho một hội thảo khoa học quy mô toàn quốc về "Sáng tạo tác phẩm văn học trong thời kỳ đổi mới đất nước về đề tài lịch sử". Ông nghĩ gì về điều này?

- Như thế là hơi muộn. Nhưng nếu làm tốt thì chúng ta đã chạm đến được một đề tài rất hay - điểm tựa của lòng tự tôn dân tộc. Công cuộc đổi mới cho ta nhiều thành tựu, nhưng cũng đặt ra những thách thức về sự suy thoái đạo đức, lối sống. Lâu nay, ta cũng để dòng văn học giải trí chiếm lĩnh quá nhiều. Tôi nghĩ thanh, thiếu niên thời nào cũng tốt, vấn đề là ta phải làm sao giúp họ tiếp cận với những tấm gương liệt oanh, là người thật, việc thật.

- Ông là người Hà Nội nhưng lại thành danh ở vùng đất phên dậu của Tổ quốc. Hà Nội có ý nghĩa như thế nào với ông?

- Quê tôi ở Tổng Cổ Loa xưa. Tôi rời Hà Nội từ năm 1957, lên Lạng Sơn dạy học. Hà Nội với tôi đến nay vẫn là cái gì đó thiêng liêng lắm. Tôi chỉ nghĩ, xa nó thì mình phải sống sao cho xứng đáng là con dân đất Hà thành.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà văn Nguyễn Trường Thanh sinh năm 1934, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn.

Tiểu thuyết "Hoa trong bão", "Hoa bất tử" đã được dựng thành phim.

Giáo sư Phong Lê từng nói: "Cho đến bây giờ, xét về đề tài miền núi trong văn học Việt Nam hiện đại vẫn cần phải nhắc đến "Truyện Tây Bắc", "Miền Tây" của Tô Hoài; "Đất nước đứng lên", "Rừng Xà nu" của Nguyên Ngọc; "Đồng bạc trắng hoa xòe", "Vùng biên ải" của Ma Văn Kháng; "Rừng động" của Mạc Phi; "Hoa hậu xứ Mường" của Phượng Vũ; "Tướng không phong hàm", "Một thời biên ải" của Nguyễn Trường Thanh…".

Hải Giang