Học Bác từ những điều giản dị
Chính trị - Ngày đăng : 07:50, 02/09/2012
Dừng lại quan sát rất kỹ chiếc micro Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945; cuốn sách đã ngả màu thời gian "Tuyên ngôn Độc lập", ông An xúc động: "Những lúc như thế này, những lời Tuyên ngôn Độc lập đanh thép mà Bác đọc cách đây 67 năm lại hiện về trong tâm trí tôi. Bác Hồ từng nói: Ở đời ai cũng là con người, không có ai là thánh thần. Bác vĩ đại vì Bác là con người bằng xương bằng thịt, sống cuộc sống bình thường chứ không phải là siêu nhân thoát tục".
Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. |
Quãng thời gian giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (từ năm 1985 đến 1995) ông An luôn ghi lòng, tạc dạ lời căn dặn của Bác: "Một tấm gương tốt còn quý hơn hằng trăm bài diễn văn. Nhìn vào con người không chỉ nhìn vào nhận thức trí tuệ mà là ngay trong cách xử sự lối sống hằng ngày, thái độ với công việc. Bác dặn cán bộ đảng viên nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động, đã nói thì phải làm. Có thế dân mới tin, mới yêu quý, giúp đỡ, bảo vệ".
Trong dòng người đến thăm Bảo tàng, chúng tôi gặp một nhóm bạn trẻ đến từ Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai. Sinh viên năm thứ ba Khoa Cơ khí - Cắt gọt Đỗ Văn Tặng quê ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) thổ lộ: "Năm năm qua, cứ mỗi dịp Quốc khánh 2-9 là nhóm bạn chúng em lại rủ nhau đến Bến Nhà Rồng. Năm nay, may mắn được xem trưng bày chuyên đề "Bác Hồ với thiếu nhi", chúng em cảm nhận được những tình cảm sâu sắc, trìu mến mà Bác đã dành cho thế hệ trẻ". Tặng cho biết, em đã học được ở Bác tính tự lập, tiết kiệm. Vì thế, ngoài giờ đi học, Tặng còn đi làm thêm để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt của mình.
"Em nghĩ, học theo Bác có thể học từ những việc nhỏ nhất, những điều bình thường nhất. Nghĩa là thấy việc gì tốt thì làm, việc gì xấu thì tránh xa"- Sinh viên Ngô Thị Thu Hoài, lớp trưởng lớp chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh tâm sự. Hoài đến với ngành học Tư tưởng Hồ Chí Minh từ tấm lòng kính yêu Bác Hồ được nuôi dưỡng từ tấm bé. Khi mới lớn lên, em được nghe nhiều hơn về những việc làm hết sức bình dị của Bác. Say mê môn lịch sử, khi thi đại học Hoài chọn khối C khoa Sử và đã đạt điểm thủ khoa (24 điểm) năm 2009. Hoài tự tin nói: "Ban đầu cũng băn khoăn khi chọn ngành khoa học xã hội vì nghe nói sẽ khó khăn trong xin việc làm, thu nhập không hấp dẫn… Nhưng em suy nghĩ, học ngành nào cũng vậy, cái cốt yếu là phải có lòng đam mê, nếu có năng lực thực sự thì ngành nào cũng có thể đứng vững!". Hoài có thành tích học tập đáng nể với điểm số trung bình rất cao (đạt gần 9.0). Nhiều sinh viên khoa Lịch sử đã cho biết, để đạt được điểm số cao ở bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh là rất khó, nhất là đối với giới trẻ bởi đòi hỏi phải có sự đầu tư thời gian, nghiêm túc trong suy nghĩ và cách đặt vấn đề. Ba năm ở giảng đường đại học được học tập, nghiên cứu về tư tưởng của Bác đã mang lại cho Hoài nhiều cảm xúc, vốn sống và bài học quý giá để rồi hiện thực hóa thành hành động như 6 lần hiến máu tình nguyện; cả 3 năm học đều tham gia tiếp sức mùa thi; tham gia làm các công trình thanh niên để gây quỹ hỗ trợ trẻ em nghèo...
"Có những điều Bác nói, Bác viết đã hơn nửa thế kỷ nhưng hôm nay đọc lại vẫn thấy rõ tính thời đại, thấy được tầm nhìn chiến lược. Tư tưởng của Bác không phải là những điều khô khan, khó tiếp cận. Chúng ta hãy đọc và cảm nhận ở đó tính giản dị, sự lạc quan và kiên định, rất cần cho hành động của giới trẻ". Thu Hoài tâm niệm!