Ý nghĩa thời đại của "Tuyên ngôn Độc lập"
Chính trị - Ngày đăng : 07:14, 02/09/2012
Có hiểu được bối cảnh ra đời mới thấu tỏ được ý nghĩa thời đại của nội dung tuyên ngôn ấy: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích... Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói... Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp... Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
Như vậy là trong tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đặt dân tộc mình trong vị thế của “một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh”. Đây là sự lựa chọn một thế ứng xử mang ý nghĩa lịch sử. Phải với một tầm vóc văn hóa mang tính thời đại mới có được sự lựa chọn đúng đắn ấy. Giờ đây, khi chúng ta nói đến quyết tâm đẩy tới sự nghiệp phát triển đất nước để hội nhập quốc tế thì cần phải thấy rằng, sự hội nhập ấy đã khởi đầu với Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 ở một tầm vóc văn hóa mang tính thời đại ấy!
Ở đây nổi rõ lên một nhận thức: Điều kiện tiên quyết của hội nhập không chỉ là cách lựa chọn một thế ứng xử ngoại giao mang tính thời đoạn, mà là xác lập cái nền tảng nhân văn bền vững của tư tưởng hội nhập. Nền tảng nhân văn ấy thể hiện tập trung trong đoạn mở đầu của “Tuyên ngôn Độc lập 2-9” với hai câu trích dẫn bất hủ về “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, về “Nhân quyền và dân quyền”.
Câu trên được trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, câu dưới được lấy ra từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Kết thúc cho những trích dẫn là sự khẳng định thật dứt khoát và quyết liệt của tác giả “Tuyên ngôn Độc lập 2-9”: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”!
Phải khẳng định dứt khoát vì rằng, “lẽ phải” thì có thể ai cũng dễ nhận biết, nhưng không thiếu người “chối cãi” việc thực hiện khi cái “lẽ phải” ấy động chạm đến lợi ích của chính họ. Một cá nhân, một nhóm người, một cộng đồng cho đến một quốc gia, một liên minh nhiều quốc gia... có những lợi ích đôi lúc đối nghịch với lợi ích của người khác, nhóm khác, quốc gia khác. Chẳng hạn như, lợi ích dân tộc hẹp hòi có thể dẫn đến tội ác xâm lược, diệt chủng theo kiểu Đức Quốc xã Hítle, gần hơn là tập đoàn diệt chủng Polpốt và hiện nay là một số nước đang gây bất ổn định của khu vực và thế giới, là những ví dụ rất cụ thể. Lợi ích nhóm được đẩy tới một cách liều lĩnh sẽ triệt tiêu những “lẽ phải”, đưa tới sự lũng đoạn nền kinh tế, tạo ra những bất ổn xã hội là một ví dụ khác.
Vì thế, khẳng định “lẽ phải” ấy thể hiện bản lĩnh của người hiểu rõ thời thế và nắm bắt thời cơ với nhận thức rõ rằng đánh mất thời cơ là sự đánh mất oan uổng và tệ hại nhất cho một dân tộc. Hoàn toàn không là ngẫu nhiên, sau những cơn sốt rét tai ác tại một lán nhỏ trong rừng gần đình Tân Trào ở Thái Nguyên, chỉ mấy ngày sau Hồ Chí Minh khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang ở Hà Nội với những câu mở đầu bằng những lời bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1789.
Bằng những trải nghiệm của một người đi tìm đường cứu nước, từng bôn ba khắp năm châu bốn biển, trước khi hôn lên nắm đất quê hương ngày trở về Hồ Chí Minh đã từng nhiều năm sống trên đất Liên Xô, Trung Quốc, vì sao lại mở đầu tác phẩm (như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người), Hồ Chí Minh lại mở đầu như vậy? Chỉ có thể giải thích rằng, những lời trích dẫn ấy chính là những dòng ánh sáng kết tinh trí tuệ của cả loài người chứ không chỉ của riêng một quốc gia, dân tộc nào.
Phải chăng đó chính là ánh sáng tỉnh thức mà đại văn hào Pháp Victor Hugo từng “kiên trì kêu gọi: Ánh sáng, Ánh sáng”? Đó là ánh sáng soi rọi sự nghiệp giải phóng con người, khi mà “con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi, con người lại bị cùm kẹp” như Jean-Jacques Rousseau, một trong những ngọn cờ tư tưởng của thế kỷ Ánh sáng Pháp đã phẫn nộ lên án. Trước đó, Voltaire, một ngọn cờ tư tưởng ánh sáng khác, đã khuyến cáo: “Lịch sử không nên đề cập đến sự thăng trầm của các ông vua mà là trào lưu tiến hóa của dân tộc, không nên đề cập đến từng quốc gia riêng rẽ mà là toàn thể nhân loại, không nên đề cập đến chiến tranh mà là đề cập đến sự phát triển của tư tưởng... Điều tôi muốn biết là qua những giai đoạn nào con người đi từ trạng thái man rợ đến trạng thái văn minh”. Rõ ràng là, cái quyết định cho sự tồn vong hay hưng thịnh của một xã hội, một đất nước không chỉ là của cải vật chất cho dù yếu tố này hết sức cần thiết, mà trước hết là “sự phát triển của tư tưởng” trên một nền tảng nhân văn vững chắc. Đó là “ánh sáng tỉnh thức”, ý tưởng của V.Hugo: “Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc”. Nói rõ hơn, đó là tư tưởng về khát vọng dân chủ và tự do.
Với Hồ Chí Minh, “trên đời ngàn vạn điều cay đắng, cay đắng chi bằng mất tự do”, tự do cho con người, tự do cho nhân dân, muốn thế, trước hết phải giành độc lập. Bởi vậy, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thế nhưng, ngay những ngày chính quyền nhân dân còn trong trứng nước, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Vậy là, “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, là “nhân quyền” và “dân quyền”, và đó là khát vọng mãnh liệt nhất của con người, là mục tiêu phấn đấu của dân tộc ta ngay từ buổi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ý nghĩa thời đại của “Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945” khởi đầu từ buổi ấy.