Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 06:32, 02/09/2012
Một tiết mục đặc sắc của các nghệ sĩ trong những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội. Ảnh: Vũ Thành |
Gặp gỡ Tây Nguyên...
Tưởng chừng khuôn viên hạn hẹp của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam không đủ sức chứa và chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa, lao động, sản xuất tiêu biểu của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, rộng lớn, vậy nhưng nhiều người đến ngày hội đặc biệt này đều có chung cảm nhận như đang gặp một Tây Nguyên sống động. Đó là "Đắk Lắk truyền thống và phát triển" với hàng trăm hình ảnh, tư liệu về thiên nhiên, con người cũng như lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất này, với sự trường tồn của các tộc người Êđê, Mnông, Giarai… Trong không gian ấy, nghệ nhân Ama Hoan, buôn Kơ Thum, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột ngồi thổi kèn Tắk - ta tha thiết, da diết như gọi, như mời du khách đến với Tây Nguyên đẹp, Tây Nguyên nguyên sơ để hiểu về Tây Nguyên, cảm nhận rõ hơn về Tây Nguyên. Mỗi khi có người hỏi về nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Ama Hoan hồ hởi giới thiệu về các công đoạn làm kèn Tắk - ta, về cách chơi cồng chiêng…
Bên cạnh không gian trưng bày của tỉnh Đắk Lắk, văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu khéo léo, sinh động qua hình ảnh chị Ksor Phương cùng những nghệ nhân dân tộc Churu, đến từ xã Bro, huyện Đơn Lương trình diễn các công đoạn làm đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, đất nung; qua hình ảnh đôi vợ chồng người Cơho dệt thổ cẩm… Không gian trưng bày của tỉnh Đắc Nông, Kom Tum, Gia Lai trong triển lãm "Tây Nguyên truyền thống và phát triển" cũng mang đến cho người xem những cảm nhận thú vị về Tây Nguyên, kể cả đối với những người chưa từng đến đó. Đến với Tây Nguyên giữa lòng Hà Nội, người xem còn bị hút hồn bởi triển lãm "Tranh, tượng về Tây Nguyên", "Cổ vật Tây Nguyên", "Sử thi Tây Nguyên"…
"Sau 10 năm mới gặp lại, nhưng tình cảm của người Thủ đô dành cho đất và người Tây Nguyên vẫn da diết, ngọt ngào" - nhạc sĩ Krajan Plin đến từ tỉnh Lâm Đồng nhận định.
…Và những trăn trở
Như gặp gỡ Tây Nguyên sống động giữa lòng Hà Nội, song chính "cuộc gặp" ấy đã khiến những người yêu Tây Nguyên băn khoăn, trăn trở về Tây Nguyên hôm nay.
Sự vui tươi, phấn chấn của chị Ksor Phương (Lâm Đồng) thể hiện rõ trên nét mặt khi được chọn làm "Đại sứ" cho nghề làm gốm Churu, nhưng mỗi khi có người hỏi về sự phát triển của nghề, giọng chị chùng xuống, buồn buồn. Chị cho biết: "Đồng bào Churu ở Bro hầu như ai cũng biết làm đồ dùng sinh hoạt nhưng không còn nhiều người sử dụng nữa, không bán được, buồn lắm. Nay ra Thủ đô, thấy nghề truyền thống của dân tộc mình được quan tâm, chúng tôi hy vọng một ngày nào đó, nghề gốm sẽ được hồi sinh, sẽ nuôi sống đồng bào để bà con không phải đi phá đồi, phá rừng trồng cây nữa". Cùng chung nỗi niềm, nghệ nhân Ama Hoan (Đắk Lắk) cho biết: "Cả tỉnh Đắk Lắk chỉ còn khoảng 10 người vừa biết làm nhạc cụ, vừa biết chơi nhạc cụ. Nhiều nơi trong tỉnh đã mở lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ nhưng dạy chưa tới nơi, thế hệ trẻ lại thiếu say mê, nhiệt huyết nên nhiều môn nghệ thuật truyền thống ở Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ mai một"…
Trước thực trạng này, cuộc tọa đàm về "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên" diễn ra trong khuôn khổ "Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội" đã thu hút sự tham gia sôi nổi của giới khoa học cũng như các nhà quản lý. Ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Tây Nguyên phải coi trọng nguyên tắc đa dạng văn hóa; gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò của cộng đồng với sự tham gia của các chuyên gia và các nhà quản lý trong lĩnh vực bảo tồn, tránh coi văn hóa các tộc là một thực thể khép kín, không biến đổi… Cùng quan điểm trên, nhạc sỹ Linh Nga NiêkĐăm - người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên nhấn mạnh: Không khó để khôi phục và bảo tồn văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên, vấn đề là ở chỗ tìm đầu ra cho sản phẩm văn hóa và nâng cao đời sống người dân bằng chính nghề truyền thống. Vì thế, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên không thể tách rời kế sinh nhai của người dân. Đối với việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, nhạc sĩ Linh Nga NiêkĐăm thẳng thắn: "Dự án bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng hiện nay mới có các hạng mục kiểm kê, truyền dạy cồng chiêng, trong khi Unesco công nhận cả không gian văn hóa cồng chiêng, nhưng các tỉnh Tây Nguyên lại không chú trọng vào nhà dài, nhà rông, ẩm thực, ngành nghề truyền thống... những thực thể góp phần quan trọng tạo nên không gian ấy. Nói cách khác, nếu không gian ấy không được bảo tồn đầy đủ thì cồng chiêng khó có thể cất lên tiếng nói của mình".
Sự nhiệt thành của những con người Tây Nguyên, tấm lòng, tình cảm của người dân Hà Nội và cả nước với Tây Nguyên trong "Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội" khiến khoảng cách địa lý giữa Tây Nguyên và Hà Nội dường như không còn xa nữa. Thế nhưng, sự trăn trở về văn hóa Tây Nguyên chưa thể nào nguôi trong lòng những người yêu Tây Nguyên ở Thủ đô.
Tạm biệt Tây Nguyên là chủ đề của chương trình nghệ thuật khép lại "Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ hai" diễn ra tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam số 2, Hoa Lư (Hà Nội) vào tối 1-9. Lưu luyến, bồi hồi, những nghệ sỹ của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ đã dành tặng công chúng Thủ đô nhiều tiết mục ca múa nhạc mang đậm bản sắc Tây Nguyên như: Múa hát cồng chiêng mừng lúa mới, hòa tấu nhạc cụ dân tộc Bana… Tình cảm của người dân Thủ đô dành cho đồng bào Tây Nguyên cũng được thể hiện đầy xúc cảm qua nhiều trích đoạn chèo đặc sắc cùng màn "Trống hội Thăng Long" do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội thể hiện. Sau 5 ngày diễn ra sôi nổi, "Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ hai" đã thu hút hàng vạn lượt người dân Thủ đô và du khách tới tham quan, giao lưu, tìm hiểu văn hóa. 58 tập thể, nghệ nhân có nhiều đóng góp cho thành công của ngày hội đã được Bộ VH,TT&DL, UBND thành phố Hà Nội và BTC trao tặng bằng khen, giấy khen. Minh Ngọc |