Ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông: Gỡ khó bắt đầu từ vốn
Xe++ - Ngày đăng : 07:18, 01/09/2012
Dây điện và dây cáp viễn thông nhằng nhịt trên đường Cách Mạng Tháng Tám. |
Khó về vốn, rối về thủ tục
Từ năm 2003, TP Hồ Chí Minh được coi là một trong những địa phương tiên phong trong việc thí điểm ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông. Thời điểm này đã có gần 40 tỷ đồng đầu tư nhưng chỉ mới ngầm hóa 9,2km lưới trung thế và 9,5km lưới hạ thế, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng. Đến năm 2009-2010, ngành điện TP tiếp tục đầu tư hơn 115 tỷ đồng triển khai ngầm hóa thí điểm 9,23km lưới trung thế ngầm và 46,57km hạ thế kết hợp ngầm hóa dây thông tin tại khu vực chợ Bến Thành, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định…
Sau một thời gian thực hiện mục tiêu trên, đến nay bộ mặt đô thị ở nhiều khu vực đã có những thay đổi rõ rệt, không còn hình ảnh "mạng nhện" chằng chịt trên cao. Người dân cũng có cảm giác an tâm hơn khi lưu thông trên đường như khu vực chợ Bến Thành, đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ tới đường Nguyễn Cư Trinh), đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn (quận 1)...
Tuy vậy hiện nay, theo thống kê của Công ty Điện lực TP cho thấy, trên địa bàn TP còn có tới 13.400km đường dây điện cao thế, trung thế và hạ thế cùng với hệ thống cáp viễn thông trên hơn 200.000 cột điện khắp TP, dây dợ… bùng nhùng như mạng nhện. Với mục tiêu giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, TP phải ngầm hóa được 95% lưới điện trung thế, 50% lưới điện hạ thế thì trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn. Chi phí ngầm hóa lưới điện tốn hơn rất nhiều lần so với đường dây trên không. Theo tính toán chưa đầy đủ, kinh phí đào hào kỹ thuật ngầm hóa lên tới gần 20 tỷ đồng/km, cộng thêm chi phí thiết bị riêng cho ngầm hóa lưới điện sẽ "đội" lên đến gần 40 tỷ đồng/km. Nhu cầu vốn để ngầm hóa là rất lớn, tuy nhiên nguồn ngân sách đầu tư vào lĩnh vực này rất hạn chế. Từ nay đến năm 2015, ngành điện cần nguồn vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng nhưng chỉ có thể thu xếp khoảng 600 tỷ đồng/năm, chủ yếu tập trung cho các dự án phát triển nguồn, lưới điện.
Đặc biệt, kể cả khi DN bỏ kinh phí để thực hiện việc ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông thì lại "đụng" nhiều vấn đề rắc rối khác. Chẳng hạn, tại khu vực quận 1, có trên 50% tuyến đường thuộc danh mục cấm đào. Để đào đường thực hiện việc ngầm hóa, các DN phải trải qua thủ tục rườm rà như xin phép rất nhiều "cửa", từ UBND quận, huyện đến Sở Giao thông vận tải… Theo lãnh đạo EVN HCMC, muốn các dự án được sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, TP cần có cơ chế hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính mới thu hút các DN mạnh dạn tham gia ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông.
Từng bước tháo gỡ
Theo kế hoạch, TP sẽ phấn đấu lần lượt ngầm hóa hầu hết lưới điện và cáp viễn thông trên địa bàn để bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị. Dự kiến trong năm 2012, TP sẽ ngầm hóa 18km lưới trung thế và 43km lưới hạ thế tại các vòng xoay chính, các tuyến đường cửa ngõ trung tâm; đến năm 2015, phải hoàn tất ngầm hóa ở khu vực quận 1, 3 và đến năm 2025 hoàn thành tại tất cả quận, huyện, khu đô thị mới, khu công nghiệp.
Thế nên, để giải quyết khó khăn, vừa qua, UBND TP đã chấp thuận đề nghị của EVN HCMC, hỗ trợ 50% lãi vay để thực hiện 19 công trình ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông trên địa bàn. Theo đó, sau ngày 15-9-2012, EVN HCMC sẽ tiến hành các thủ tục để khởi công các công trình ngầm hóa lưới điện thuộc địa bàn khu vực trung tâm thành phố như đường Hàm Nghi, Phạm Ngọc Thạch, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ, Lê Lợi (quận 1) và các trục đường như Hồng Bàng (quận 5), Nguyễn Xí (Bình Thạnh), Nguyễn Oanh (Gò Vấp), Nguyễn Trường Tộ… Đồng thời, ngành điện lực kết hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), VNPT… để triển khai thi công ngầm hóa cùng lúc các mương cáp điện và dây thông tin.
Cũng liên quan vấn đề này, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cũng đã yêu cầu các đơn vị điện lực, viễn thông cần phối hợp đồng bộ để các dự án ngầm hóa có thể đưa cùng lúc dây điện, cáp viễn thông, kể cả dây điện chiếu sáng công cộng vào công trình chung nhằm tránh tình trạng đào đường nhiều lần.