Vì một thế giới công bằng

Thế giới - Ngày đăng : 05:31, 01/09/2012

(HNM) - Đó là sự đồng thuận mà 40 vị đứng đầu nhà nước, chính phủ, bộ trưởng ngoại giao của 120 nước thành viên, cùng đại diện của hơn 30 nước và tổ chức quốc tế, Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đạt được tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 16 Phong trào Không liên kết (NAM) với chủ đề "Hòa bình bền vững nhờ quản trị chung toàn cầu", vừa bế mạc (31-8) tại thủ đô Tehran của Iran.

Sự hiện diện của ông Ban Ki-moon tại Tehran đã mang đến cho Iran hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân qua đối thoại hòa bình.

Suốt hơn 50 năm qua, kể từ khi thành lập (tháng 9-1961), NAM đã có những đóng góp thiết thực củng cố, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, chống chạy đua vũ trang; đồng thời giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hiện nay, sự kiện các nước thành viên NAM tiếp tục khẳng định là tập hợp lực lượng mạnh mẽ để tạo dựng một môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển đã mang ý nghĩa thiết thực. Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của nước chủ nhà Iran đóng góp cho sự thành công của hội nghị.

Trước thềm hội nghị, dư luận còn e ngại về một thành công khi Tehran đang trong vòng vây cấm vận của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nước này. Thậm chí, việc Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tham dự hội nghị đã khiến các nước như Mỹ, Canada, Israel bình luận rằng, đây là "một sai lầm nghiêm trọng". Nhưng, cái siết tay chặt của các đại biểu tại hội nghị đã làm dấy lên hy vọng mới. Ngay trong phiên khai mạc, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi (Chủ tịch tiền nhiệm) và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, Chủ tịch mới của NAM cùng sự hiện diện của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã khẳng định nỗ lực hướng tới một thế giới an toàn hơn, làm sâu đậm thêm vai trò quan trọng và đóng góp tích cực của NAM trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Điều đó đã khiến giới quan sát thở phào nhẹ nhõm.

Với chủ đề "Hòa bình bền vững thông qua quản trị toàn cầu chung", các nước thành viên NAM một lần nữa khẳng định trước thế giới về các biện pháp nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển và công bằng xã hội trên toàn thế giới. Những vấn đề nổi cộm của thế giới hôm nay như: bất ổn tại Trung Đông - Bắc Phi, vấn đề Palestine; ứng phó với các tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; mặt trái của quá trình toàn cầu hóa; tác động của biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng... đã được tập trung bàn thảo để tìm hướng giải quyết thích hợp. Nhân diễn đàn này, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên tạo điều kiện cho nhà ngoại giao người Algeria Lakhdar Brahimi, Đại diện đặc biệt của LHQ và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria, hoàn thành sứ mệnh tại quốc gia Trung Đông này từ ngày 1-9-2012.

Thành công của Hội nghị Cấp cao lần thứ 16 của NAM cũng là thành công của chính quyền của Tổng thống M.Ahmadinejad. Iran đã được nhiều nước chia sẻ quan điểm hạt nhân vì mục đích hòa bình trong khi cuộc khủng hoảng hạt nhân của nước này với phương Tây đang gặp nhiều trở ngại. Tổng Thư ký Ban Ki-moon lần đầu tiên hiện diện ở quốc gia Trung Cận Đông này kể từ khi nhậm chức năm 2007 đã trở thành sự kiện khiến thế giới quan tâm cho dù người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh không quên kêu gọi Tehran thực hiện các biện pháp và xây dựng lòng tin, xóa bỏ quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này. Thêm vào đó, sự kiện đi vào lịch sử nhân hội nghị này diễn ra là việc Cairo - Tehran khôi phục quan hệ ngoại giao sau ba thập kỷ bị gián đoạn...

Trong bối cảnh hiện nay, nước chủ nhà Iran xem ra đã tận dụng triệt để một diễn đàn quốc tế quan trọng thành cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ của các nước trước một vấn đề gai góc mà Iran đang vấp phải. Đó là vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, trên cương vị Chủ tịch NAM trong 3 năm tới (2012 - 2015), liệu Tehran có tìm được hướng đi thích hợp trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân giữa nước này với phương Tây là một câu hỏi vẫn còn ở phía trước.

Trung Hiếu