Trí thức khoa học Thủ đô: Tăng vai trò giám sát, phản biện xã hội
Công nghệ - Ngày đăng : 07:02, 31/08/2012
"Mỏ vàng lộ thiên"
GS-TS Vũ Hoan, Chủ tịch HUSTA cho biết, đội ngũ trí thức khoa học Thủ đô có số lượng lớn, chiếm khoảng 65% lực lượng của cả nước. Hầu hết nhà khoa học đầu ngành đều tham gia sinh hoạt trong các tổ chức của Hà Nội và có tiếng nói quan trọng trong nhiều hoạt động khoa học của đất nước. Đây chính là "mỏ vàng lộ thiên" mà không địa phương nào có được...
HUSTA đã thành công trong công tác phản biện khi kiến nghị với thành phố về việc không nên hạ mực nước hồ Suối Hai, Ba Vì. Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thời gian qua, trí thức khoa học Thủ đô đã tham gia ý kiến vào các chính sách, đề án, kế hoạch quan trọng của thành phố như dự thảo Luật Thủ đô, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, quản lý đô thị... Một trong những hoạt động được HUSTA đẩy mạnh là công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, HUSTA và các hội thành viên đã tổ chức 4 hội thảo tư vấn góp ý kiến cho 4 đề án của thành phố trình HĐND thành phố phê duyệt, gồm: Quy hoạch hệ thống bệnh viện và mạng lưới y tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch trường học và hệ thống giáo dục đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch phát triển văn hóa đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của TP Hà Nội. Những đóng góp của HUSTA đã được UBND thành phố tiếp thu, chỉnh sửa nhiều điểm quan trọng.
Một hoạt động đáng quan tâm nữa của HUSTA là việc Hội Cơ học Hà Nội đã phối hợp với ĐH Xây dựng tổ chức buổi tiếp xúc cử tri khoa học với đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Tại đây, PGS-TS Khổng Doãn Điền (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cơ học Hà Nội) đã kiến nghị thành phố cần xem xét, cân nhắc đề án hạ mực nước hồ Suối Hai từ cao trình 24,5m xuống còn 23m để lấy đất lòng hồ cho một công ty du lịch, bởi ngân sách sẽ phải chi ra hàng trăm tỉ để xây dựng lại hệ thống thủy lợi bù đắp cho lượng nước mất đi từ hồ Suối Hai. Ý kiến này đã được lãnh đạo TP Hà Nội lắng nghe và chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiêm túc xem xét.
Đòi hỏi đổi mới tư duy
Trong buổi làm việc mới đây tại HUSTA của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi và Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhiều nhà khoa học đã thẳng thắn đóng góp ý kiến đối với công tác quản lý, điều hành của các sở, ngành.
Phản ánh của ông Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới rất đáng phải suy ngẫm. Ông cho biết, nhiều tiến bộ kĩ thuật, công nghệ mới thường phải đi "đường vòng", tức là áp dụng ở đâu đó rồi may ra mới có thể "vào" Hà Nội. Cụ thể như công nghệ diệt khuẩn trong bệnh viện, phù hợp với bệnh viện tuyến quận, huyện đã được áp dụng thành công tại Vĩnh Phúc nhưng đến nay vẫn rất khó để triển khai tại Hà Nội vì nhiều lý do.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội), giới trí thức khoa học có thể tham gia tư vấn, phản biện hầu khắp các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Nhưng muốn làm tốt đòi hỏi cần có tư duy mới, cần phải coi HUSTA là một kênh phản biện tương tự như Mặt trận Tổ quốc thành phố. "Nên củng cố để Hội đồng khoa học Thủ đô hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, thành phố cũng nên xem xét lại hiệu quả hoạt động của Cung Trí thức sao cho đúng với tên gọi của nó" - TS Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi khẳng định đội ngũ trí thức khoa học tiếp tục cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa cho Thủ đô và đất nước. Đặc biệt, HUSTA phải trở thành ngôi nhà chung của giới trí thức, tập hợp được nhiều hơn nữa nhà khoa học trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và người Việt Nam ở nước ngoài. HUSTA cũng cần chủ động phát huy vai trò giám định, phản biện xã hội, tiến tới giám sát độc lập trong việc xây dựng luận cứ khoa học phục vụ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các chính sách, đề án quan trọng của thành phố.