Có thể phục hồi chùa Trăm Gian gần như nguyên trạng?
Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 31/08/2012
Gác khánh trong cụm di tích chùa Trăm Gian trước khi bị phá dỡ. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng |
Chưa phá hoàn toàn
Chủ trì buổi họp báo, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định: Những sai phạm tại di tích chùa Trăm Gian được đăng tải rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày vừa qua thể hiện sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông cũng như dư luận xã hội đối với công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian nói riêng, di tích lịch sử văn hóa nói chung. Tiếp nhận những thông tin này, ngành văn hóa từ trung ương tới địa phương nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu dừng ngay những hạng mục đang thi công tại di tích chùa Trăm Gian; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tìm phương án khắc phục. Kịp thời phát hiện và phản ánh những sai phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới một di tích quốc gia quý giá như chùa Trăm Gian là công lớn của các cơ quan báo chí, song bên cạnh đó một số tờ báo vội vã thông tin khi không tìm hiểu kỹ thực tế khiến dư luận hiểu lầm là toàn bộ di tích chùa Trăm Gian đã bị phá đi xây mới.
Trên thực tế, chùa Trăm Gian có diện tích rộng tới hơn 3ha, gồm rất nhiều hạng mục, trong đó hạng mục nhà tổ, gác khánh và đá bậc cấp (3 hạng mục bị xâm phạm) là những bộ phận quan trọng cấu thành nên di tích chứ không phải là tất cả di tích. Trước khi bị phá, các công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, được liệt vào các hạng mục cần tu bổ trong "Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trăm Gian" trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2008-2011. Do tình hình kinh tế khó khăn nên UBND thành phố Hà Nội chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư cho dự án tu bổ, di tích chùa Trăm Gian vào năm 2011. "Mặc dù vậy, việc nhà chùa tự ý hạ giải và thi công các hạng mục nói trên của di tích là sai nguyên tắc, không báo cáo chính quyền để làm thủ tục theo đúng quy trình là đã vi phạm Luật Di sản văn hóa và các quy định hiện hành" - ông Phạm Quang Long nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của báo chí về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, ông Phạm Quang Long khẳng định: Sở VH,TT&DL, Sở KH&ĐT, UBND huyện Chương Mỹ, xã Tiên Phương, sư trụ trì chùa Trăm Gian, BQL di tích, BQL dự án tu bổ chùa Trăm Gian… đều phải chịu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đến đâu, ở mức độ nào phải căn cứ vào kết quả thanh tra.
Phục hồi nguyên trạng?
Trước sự lo lắng của dư luận về những công trình kiến trúc tuyệt đẹp của chùa Trăm Gian có thể mất đi vĩnh viễn, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích đã đưa ra những hình ảnh so sánh về nhà tổ, gác khánh mới được xây dựng và nguyên trạng trước đây. Dưới góc nhìn của nhà chuyên môn, ông Lê Thành Vinh khẳng định, công trình mới dựng lên không giống cũ, đầu vẩy cũ và mới khác hẳn nhau, ngói mới rất khác ngói cũ… Theo nguyên tắc bảo tồn di tích, di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo khác hẳn với di tích cũ là sự xâm phạm di tích, làm tổn hại di tích. Nhưng thật may mắn là đối với hạng mục nhà tổ, gác khánh của chùa Trăm Gian, một số cấu kiện đã dỡ ra vẫn còn nhận dạng và tái sử dụng được. Cụ thể, ngói cũ dỡ xuống chưa bị vứt đi, có thể tận dụng để lợp lại hoặc đặt làm ngói mới có kích thước, hoa văn tương tự. Hoa văn của đầu vẩy nhìn rất rõ, một số cột kèo vẫn còn nguyên mộng, có thể đấu lại… Hơn thế, hình ảnh, tư liệu về nhà tổ, gác khánh được lưu trữ khá đầy đủ trong hồ sơ di tích.
Từ những căn cứ khoa học đó, ông Lê Thành Vinh cho rằng, việc phục hồi không quá khó khăn, tuy nhiên, cũng chỉ có thể phục hồi một cách tương đối chứ không thể tuyệt đối. Cũng theo ông Lê Thành Vinh, ngay sau khi nhận phản ánh của dư luận, Viện Bảo tồn di tích đã cử cán bộ xuống chùa Trăm Gian nghiên cứu, đánh giá lại các cấu kiện cũ để có thể phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành phục hồi di tích trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, song song với việc nghiên cứu phục hồi các hạng mục bị xâm hại của di tích chùa Trăm Gian dựa trên các căn cứ khoa học, Sở sẽ nghiên cứu và đề xuất với UBND thành phố xây dựng cơ chế quản lý di tích trên địa bàn, trong đó sẽ điều chỉnh sự phân cấp quản lý đối với chùa Trăm Gian và nhiều di tích khác cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Với sự khẳng định của những người có trách nhiệm, dư luận có thể tin tưởng các hạng mục bị phá đi xây mới của chùa Trăm Gian sẽ được phục hồi gần như nguyên trạng trong tương lai không xa. Nhưng để làm được điều đó cũng sẽ tốn hàng tỷ đồng và mất rất nhiều thời gian, công sức. Âu đó cũng là bài học đắt giá cho công tác quản lý di tích.
Yêu cầu đình chỉ chức vụ Trưởng ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian Ngày 30-8, UBND thành phố Hà Nội đã có Thông báo số 248/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo trong buổi làm việc với Sở VH,TT&DL và các đơn vị liên quan về sự sai phạm tại di tích chùa Trăm Gian vào ngày 29-8. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở VH,TT&DL phối hợp với huyện Chương Mỹ và các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nhà tổ, gác khánh trên cơ sở tái sử dụng tối đa cấu kiện cũ; tiến hành thanh tra, xác định rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân, báo cáo với UBND thành phố. Chủ tịch yêu cầu huyện Chương Mỹ đình chỉ chức vụ Trưởng BQL di tích chùa Trăm Gian (ông Tống Bá Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương); kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của BQL di tích, thành viên BQL di tích, chủ tịch UBND xã, thanh tra xây dựng xã và tập thể UBND xã Tiên Phương; làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo huyện Chương Mỹ, phòng VH-TT huyện và các phòng, ban liên quan, báo cáo về UBND thành phố trước ngày 20-9. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí đủ kinh phí; Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí kịp thời để tu bổ, tôn tạo và phục chế nguyên trạng nhà tổ, gác khánh di tích chùa Trăm Gian. Thu Hiền |