Hy vọng mới cho sự lặng sóng
Thế giới - Ngày đăng : 06:39, 31/08/2012
Mục đích của chuyến công cán được cho là không nằm ngoài việc giảm nhiệt các tranh chấp nảy lửa tại khu vực đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Washington về cả quân sự, chính trị và kinh tế. Thế nhưng, trong khi những sóng gió ngoại giao vẫn chưa dịu đi ở vành đai Đông Á, cuộc gặp gỡ đầu tiên trong 4 năm qua giữa Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên tại Bắc Kinh đã cho thấy một vùng biển lặng đang được thiết lập giữa hai quốc gia láng giềng.
So với những cuộc gặp thường rất ít khi đạt được những kết quả như mong muốn từng diễn ra, không có nhiều kỳ vọng vào sự kiện 2 ngày, bắt đầu từ ngày 29-8, sẽ có những câu trả lời rốt ráo cho các vấn đề được cả hai bên quan tâm. Ngay từ khâu chuẩn bị cũng đã có khác biệt, Bình Nhưỡng chỉ đồng ý đàm phán ở cấp chuyên viên, trong khi Tokyo muốn đối thoại ở cấp cao hơn. Tuy nhiên, chỉ 20 ngày sau lần gặp gỡ mang ý nghĩa "tiền trạm" giữa Hội Chữ thập đỏ hai nước, việc hai quốc gia không có quan hệ ngoại giao đồng ý "ngồi lại với nhau" đã thể hiện sự thiện chí từ cả hai phía.
Chủ đề chính của cuộc hội ngộ sau thời gian dài gián đoạn là thảo luận vấn đề hồi hương hài cốt những người Nhật Bản đã chết ở miền Bắc Triều Tiên trong những năm trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, xuất phát từ mối quan hệ song phương lạnh nhạt mà chỉ có 13.000 trong số 34.600 di cốt công dân Nhật trên đất Triều Tiên được trở về quê hương. Sự xa cách về quan điểm giữa hai nước đã khiến 21.600 hài cốt người Nhật Bản không thể vượt đoạn đường biển không dài giữa hai quốc gia để trở về với đất mẹ. Bên cạnh chương trình nghị sự chính này, một số vấn đề được xem là khúc mắc lớn nhất trong quan hệ Nhật - Triều như cho phép những phụ nữ Nhật Bản hồi hương về Triều Tiên theo chồng được trở về thăm quê và đặc biệt là số phận những công dân xứ Mặt trời mọc bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong giai đoạn 1970 - 1980 cũng sẽ được đưa ra. Tokyo khẳng định có 17 người Nhật Bản đã bị bắt đưa về Triều Tiên để thực hiện việc đào tạo ngôn ngữ và văn hóa cho các điệp viên nước này. Kể từ sau khi 5 người đã được trao trả trong chuyến thăm của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi cách đây 10 năm, 12 người còn lại vẫn bặt vô âm tín. Các chính phủ nối tiếp của Nhật Bản đều xem đây như một vấn đề tiên quyết trong cải thiện quan hệ song phương và thúc đẩy hồ sơ còn dang dở này. Tuyên bố hủy bỏ quá trình điều tra lại các vụ bắt cóc theo thỏa thuận hồi tháng 8-2008 từ Bình Nhưỡng một lần nữa đẩy quan hệ Nhật - Triều chưa kịp nồng ấm đã trở lại băng giá.
Do vậy, phải khẳng định rằng cuộc đối thoại mới nhất giữa hai nước là một tín hiệu tốt không chỉ cho hai quốc gia vốn có nhiều hiềm khích này mà còn có ý nghĩa cho hòa bình tại khu vực. Có thể chưa có ngay đáp án cho những câu hỏi đang còn treo lơ lửng, nhưng ít nhất, một chiếc cầu nối cho những bước tiến dài hơn nhằm hóa giải nhiều khác biệt lưu niên đã được bắc qua biển Nhật Bản. Dư luận hy vọng rằng những khởi động thuận lợi vừa được bắt đầu sẽ tạo động lực cho những tiến triển tích cực nhằm mang lại ổn định, hòa bình cho Đông Bắc Á.