Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chính trị - Ngày đăng : 06:27, 12/12/2022

(HNM) - Với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, đế quốc Mỹ đã phá vỡ đàm phán tại Hội nghị Paris và bí mật lập kế hoạch chuẩn bị tập kích mang mật danh Linebacker II đánh phá Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12-1972. Nhưng với tầm nhìn chiến lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán trước được âm mưu và thủ đoạn của địch, nên đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta chủ động chuẩn bị, xây dựng lực lượng, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của địch, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

1. Theo dõi sát tình hình chiến trường miền Nam và những động thái của chính quyền Washington, ngay từ đầu năm 1964, khi đến thăm Bộ đội Phòng không, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các chú phải luôn luôn cảnh giác và lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm vùng trời miền Bắc nước ta”. Đầu tháng 8-1964, sau khi dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, Tổng thống Mỹ L.Johnson yêu cầu sử dụng không quân đánh phá miền Bắc. Trước hết, chúng tập trung đánh phá Đồng Hới (Quảng Bình), Vĩnh Linh (Quảng Trị)... sau đó leo thang đánh sâu vào Bắc vĩ tuyến 20 với quy mô ngày càng lớn.

Dự kiến được sự tàn phá của không quân Mỹ sẽ để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vừa theo dõi nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, vừa động viên lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc chuẩn bị sẵn sàng đánh máy bay Mỹ. Bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ (5-8-1965), chỉ sau một thời gian ngắn, quân dân miền Bắc đã hình thành và ngày càng hoàn thiện lực lượng phòng không ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ. Tuy nhiên, lưới lửa phòng không của ta chỉ có thể bắn hạ máy bay ở độ cao trung bình (6-7km) và thấp. Pháo cao xạ chỉ có loại 100mm có thể với đến độ cao 10km, nhưng tốc độ bắn chậm, uy lực sát thương không cao. Để chuẩn bị lực lượng đánh B-52, tháng 2-1965, Việt Nam - Liên Xô đã đạt được thỏa thuận về việc bạn giúp ta 2 trung đoàn tên lửa phòng không SAM-2 với 4,5 cơ số đạn.

Giai đoạn 1965-1969, Mỹ sử dụng cả không quân, hải quân tăng cường đánh phá miền Bắc, trong đó không quân Mỹ đã ném bom gây nhiều thiệt hại về cơ sở sản xuất, kho tàng, cầu cống, đê điều và các trận địa của bộ đội... Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng chỉ đạo gấp rút nghiên cứu, theo dõi quy luật hoạt động và cách đánh phá của không quân Mỹ. Trong đó, đặc biệt chú ý tới loại máy bay B-52, vì tới thời điểm này “siêu pháo đài bay B-52” với sức công phá vô cùng lớn và chưa từng bị bắn hạ.

Năm 1965, khi thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 Đoàn Tam Đảo Bộ đội Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần động viên: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Quán triệt sâu sắc Lời căn dặn của Người, ngay từ tháng 5-1966, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức lực lượng vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) nghiên cứu cách đánh máy bay B-52. Tháng 8-1966, Quân chủng đã bí mật đưa Trung đoàn tên lửa 238 cùng với bộ đội ra đa, trinh sát điện tử, không quân có nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu tính năng kỹ thuật, đặc điểm và quy luật hoạt động của máy bay B-52 để tìm ra cách đánh phù hợp.

Đầu năm 1968, khi đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa nhắc lại: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua... Nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

2. Lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đế quốc Mỹ chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội là định hướng quan trọng để các cơ quan tham mưu chiến lược chủ động đề ra những chủ trương, biện pháp tác chiến. Ngay từ tháng 4-1972, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân và các quân khu phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc.

Trên cơ sở nhận định, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tháng 9-1972, Kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng hoàn thành. Kế hoạch xác định khu vực đánh phá chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, trọng điểm là Hà Nội. Về sử dụng lực lượng, ta huy động tất cả lực lượng phòng không trên toàn miền Bắc tham gia chiến dịch, nòng cốt là lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân. Ba lực lượng chính đánh B-52 là MiG-21, tên lửa và pháo phòng không l00mm, trong đó tên lửa là lực lượng đánh chủ yếu. Việc sơ tán nhân dân, các nhà máy sản xuất rời khỏi Thủ đô cũng được chuẩn bị chặt chẽ; hệ thống hầm hào, đường cơ động cho người và trang bị được bộ đội và nhân dân tích cực xây dựng sẵn sàng bước vào cuộc chiến mới.

Sau khi thông qua kế hoạch tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương điều chỉnh lực lượng, xây dựng thế trận của lực lượng phòng không ba thứ quân, chuẩn bị kế hoạch phòng không nhân dân... với tinh thần “chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ để đánh thắng, kiên quyết bắn rơi máy bay B-52 tại chỗ, tập trung lực lượng từ vĩ tuyến 20 trở ra, lấy Hà Nội là mục tiêu bảo vệ chủ yếu, nơi tập trung lực lượng chủ yếu”.

Dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn đúng với thực tế sau này. Từ ngày 18 đến 29-12-1972, Mỹ đã tiến hành chiến dịch Linebacker II. Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 nghìn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng nghìn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Với việc sử dụng máy bay B-52 - một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ (tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược) là loại pháo đài bay khổng lồ có thể mang được 100 quả bom với tổng trọng lượng khoảng 30 tấn, có khả năng sát thương rất lớn. Chúng đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.

Với sức đánh phá hủy diệt của không quân Mỹ, trong đó chủ yếu là B-52, nếu không có sự chuẩn bị tích cực, chủ động từ sớm thì quân dân miền Bắc không thể trụ vững trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, gồm: 34 chiếc B-52; 5 chiếc F-111A; 21 chiếc F-4CE; 4 chiếc A-6A…, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch. Sự thất bại thảm hại của không quân Mỹ trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc đã buộc nhà cầm quyền Mỹ phải xuống thang, ngừng ném bom ở Bắc vĩ tuyến 20, đề nghị phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở lại bàn đàm phán Paris, chuẩn bị ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nguyễn Năng Lực