Kinh tế cuối năm sẽ hồi phục chậm

Kinh tế - Ngày đăng : 06:05, 31/08/2012

(HNM) - Nền kinh tế đã bắt đầu ổn định trong những tháng cuối năm, nhưng kỳ vọng vào một sự phục hồi nhanh là chưa thể. Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo


Kinh tế đã vượt qua "đáy" suy giảm

Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, "đáy" của suy giảm tăng trưởng kinh tế đã dừng ở mức 4% của quý I-2012. Trong quý II, tăng trưởng GDP đã đạt mức 4,66%. Trong 8 tháng, xuất khẩu cũng đã tăng được 17% - 18% (đạt 73,4 tỷ USD). Ở thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm 2012 tăng 18,7%, nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì mức tăng đạt 6,7%. Tương ứng với mức tăng bán lẻ, chỉ số tồn kho đã giảm dần từ mốc cao ở tháng 3-2012. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm chỉ tăng 2,86%, về gần ngang bằng với CPI một số nước trong khu vực. Đầu tư công 7 tháng đầu năm tăng 5,4% so với cùng kỳ và đạt 51% kế hoạch năm có thể tạo hiệu ứng tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.


Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Hùng

Tuy các chỉ số có dấu hiệu phục hồi, nhưng ông Trần Du Lịch cho rằng, sự nhích lên này giống như người bệnh yếu ớt mới bắt đầu hồi phục, nếu không khéo bệnh sẽ trở lại. Xuất khẩu từ tháng 6 về trước tăng rất cao, nhưng từ tháng 7 đã giảm dần và tháng 8 giảm nhiều hơn. Đặc biệt, trong 17%-18% tăng trưởng xuất khẩu thì khu vực FDI tăng đến 38%, còn trong nước không tăng. Mức tăng bán lẻ 6,7% so với cùng kỳ cũng được đánh giá không phải là quá thấp, nhưng hàng tồn kho tăng mạnh là do sự méo mó thị trường, chênh lệch giữa cung và cầu. Ví dụ sắt thép và xi măng, dù được dự báo phát triển là thừa nhưng doanh nghiệp vẫn sản xuất nên tồn kho cao. Sản lượng công nghiệp 7 tháng đầu năm chỉ tăng 6,1% (cùng kỳ tăng 9,6%) cho thấy các ngành công nghiệp vẫn đang khó khăn…

Phải khơi thông nguồn vốn

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thì kinh tế toàn cầu năm 2012 tăng trưởng 3,5% và năm 2013 có thể tăng 3,9%. Tuy nhiên một số dự báo khác thì cho rằng năm tới kinh tế toàn cầu vẫn như năm 2012, không thể tốt hơn do vẫn còn tác động nợ xấu của Châu Âu. Điều đó, theo các chuyên gia, nghĩa là không thể chờ sự đột biến của thị trường thế giới mà phải tự cứu mình bằng chính thị trường trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, khó khăn nhất hiện nay vẫn là tín dụng, nguồn vốn. Dòng tiền vẫn bị nghẽn khi trong 8 tháng huy động vốn tăng 10,26% nhưng cho vay chỉ tăng 1,4%. Dù Ngân hàng Nhà nước cho biết 6 tháng đã bơm 180.000 tỷ đồng ra thị trường ở tất cả các kênh, nhưng doanh nghiệp vẫn đang thiếu vốn. Để đạt tăng trưởng tín dụng 8%/năm (mỗi tháng còn lại 1,52%), thì từ nay đến cuối năm hai kênh tín dụng và đầu tư công có thể bơm ra thị trường mỗi tháng đến 95.000 tỷ đồng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra không phải là bơm bao nhiêu, mà là bơm đi đâu vì nợ xấu đã ngăn cản doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Một khó khăn khác, theo ông Trần Du Lịch là kỳ vọng giảm lãi suất vay vốn của doanh nghiệp cũng khó thành hiện thực vì lãi suất huy động khó có thể giảm xuống mức dưới 9%. Lý do là lãi suất huy động căn cứ trên lạm phát kỳ vọng, mà nếu lạm phát 7%, lãi suất huy động 9% thì chênh lệch chỉ 2%. Nếu hạ lãi suất huy động thấp hơn nữa thì người dân sẽ không gửi tiền mà đổ vào vàng, USD.

Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu doanh nghiệp giải quyết được hàng tồn kho thì sẽ quay vòng được chu trình sản xuất, gỡ được ách tắc nguồn vốn, đẩy mạnh được sản xuất. Các doanh nghiệp cần phải giải quyết khó khăn nguồn vốn ngắn hạn bằng cách quyết liệt giải quyết hàng tồn kho. Các biện pháp có thể thực hiện như bán giảm giá, đặc biệt giảm giá cực mạnh cho những đối tác có khả năng trả bằng tiền mặt chủ động; nếu đối tác kẹt tiền có thể kết nối với ngân hàng, thuyết phục cho đối tác vay…

Tổng hợp dự báo tăng trưởng GDP cả năm nằm trong khoản 5,1% - 5,9% và với những nhận định thuận lợi và khó khăn như trên, các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm nền kinh tế sẽ ổn định nhưng phục hồi nhanh là chưa thể. Nhìn chung bức tranh thị trương nửa cuối năm 2012 và năm 2013 không quá ảm đạm nhưng cũng không ấm lên một cách rõ nét.

Đặng Loan