Vụ xâm hại di tích chùa Trăm Gian: Lỗi từ nhận thức và ý thức
Xã hội - Ngày đăng : 19:59, 30/08/2012
Sai phạm trong việc trùng tu Chùa Trăm Gian tại xã Tiên Phương,
huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.
(HNMO)- Chiều 30/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố cụ thể việc vi phạm trong tu bổ, tôn tạo Nhà Tổ và Gác Khánh di tích Chùa Trăm Gian xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.
Tham dự có: Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội – ông Phạm Quang Long; ông Nguyễn Đức Hòa – Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Trùng tu di tích; ông Vũ Văn Đông - Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ; Vũ Văn Doãn – Chủ tịch xã Tiên Phương và đông đảo phóng viên các báo quan tâm đã đến dự.
Chùa Trăm Gian là di tích quốc gia được xây dựng từ thời Lý, vốn rất nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo. Sau thời gian xuống cấp, chùa đang được dỡ đi làm mới hoàn toàn. Việc vi phạm quy định tu bổ và tôn tạo di tích của nhà sư trụ trì Chùa Trăm Gian trong thời gian vừa qua đã gây sự bức xúc trong dư luận rất lớn.
Cuộc họp chiều 30/8 tại Sở VH,TT&DL đã diễn ra căng thẳng
với rất nhiều câu hỏi xoáy của báo giới.
Sai phạm do ý thức và nhận thức kém
Tại cuộc họp chiều 30/8, trả lời câu hỏi về hiện trạng hiện nay của Chùa Trăm Gian như thế nào, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định, việc nhà chùa tự ý hạ giải và thi công Nhà Tổ, Gác Khánh là sai nguyên tắc, quy trình và vi phạm Luật Di sản Văn hóa. Tuy nhiên, nói Chùa Trăm Gian đã bị phá hủy hoàn toàn là sai, mà nói là có sự xâm hại di tích là đúng và mức độ sai phạm là nghiêm trọng.
Trên thực tế, hiện nay, nhiều hạng mục kiến trúc của chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng như: Tiền đường, hành lang, gác chuông…Tuy nhiên, đơn vị quản lý di tích là huyện Chương Mỹ không thể có đủ nguồn lực để đầu tư tu bổ di tích.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, ngày 24/8, Sở VH,TT&DL đã thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp tại di tích Chùa Trăm Gian và có hai hạng mục bị hạ giải là Gác Khánh và Nhà Tổ chứ không phải toàn bộ di tích như các báo đã nêu. Hai hạng mục này cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ.
Cũng do các hạng mục này xuống cấp nghiêm trọng, cuối năm 2011, UBND huyện Chương Mỹ đã có văn bản trình UBND Thành phố Hà Nội cho phép hạ giải ngay các hạng mục trên và đề nghị Thành phố cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo, nhưng chưa được bố trí và chờ thủ tục đầu tư thì trong đợt mưa bão vừa qua, hạng mục Nhà Tổ bị hư hỏng nặng hơn, nguy cơ kèm theo sập đổ toàn bộ kết cấu khung nhà đang bị hư hỏng, gây hư hại hệ thống tượng Phật và mất an toàn cho khách thập phương vào hành lễ, nên nhà chùa đã tự ý tháo dỡ và thi công Nhà Tổ cùng hạng mục Gác Khánh.
Giải thích về việc vì sao để tình trạng xâm hại di tích chùa Trăm Gian nghiêm trọng trong một thời gian khá dài mà các cơ quan chức năng không hề hay biết, ông Phạm Quang Long cho rằng đây là một sai sót nghiêm trọng trong việc bảo tồn các di tích, di sản văn hóa. Lỗi này nguyên nhân chính là do nhận thức và ý thức kém. Ý thức trùng tu thì tốt nhưng nhận thức về việc thực hiện thì sai, nên chắc chắn Sở sẽ đợi kết luận của đoàn thanh tra làm rõ sai sót của ai để có mức kỷ luật rõ ràng.
Nghiêm túc nhận trách nhiệm
Ngày 1/6/2012, nhà sư trụ trì Thích Đàm Thanh tiến hành hạ giải các hạng mục của Chùa Trăm Gian trong một thời gian rất dài mà không cơ quan chức năng nào biết? Ông Phạm Quang Long cũng thừa nhận, việc sai phạm này của các đơn vị quản lý là không cần bàn cãi và sẽ được làm rõ. Cụ thể là sau cuộc họp của UBND Thành phố Hà Nội chiều 29/8, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sai phạm đáng tiếc tại Di tích quốc gia Chùa Trăm Gian. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Chương Mỹ tạm đình chỉ chức vụ Trưởng Ban Quản lý di tích Chùa Trăm Gian; đình chỉ ngay việc thi công tại di tích Chùa Trăm Gian, có biện pháp xử lý sai phạm, bảo vệ toàn bộ cấu kiện gỗ, chân tảng, ngói lợp cũ của Nhà Tổ, Gác Khánh và đá bậc cấp cũ trước sân tiền đường.
Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các tổ chức và cá nhân như: Ban quản lý di tích, thành viên Ban quản lý di tích, Chủ tịch UBND xã, Thanh tra xây dựng xã và tập thể UBND xã Tiên Phương. Theo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo trong cuộc họp chiều 29/8 cũng khẳng định, phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyên Chương Mỹ, Phòng Văn hóa Thông tin và phòng ban liên quan của huyện Chương Mỹ vì đã để xảy ra sai phạm tại di tích Chùa Trăm Gian và báo cáo UBND Thành phố Hà Nội trước ngày 15/9/2012.
Giám đốc Sở VH,TT&DL Phạm Quang Long phân trần về Đề án trùng tu di tích Chùa Trăm Gian có từ năm 2010 nhưng chưa được cấp kinh phí.
Đi sâu vào phân tích nguyên nhân về việc để xảy ra vụ việc xâm hại nghiêm trọng di tích Chùa Trăm Gian, ông Phạm Quang Long khẳng định, từ năm 2006, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với Cục Di sản của Bộ lên phương án trùng tu di tích Chùa Trăm Gian. Năm 2010, bản thiết kế trùng tu Chùa Trăm Gian đã được Cục Di sản phê duyệt trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc giá trị của ngôi chùa với kinh phí ban đầu là 10,2 tỷ đồng. Nhưng cho đến nay, đề án đó vẫn chưa cấp kinh phí nên đã để xảy ra tình trạng nhà sư và người dân tự ý bỏ tiền tu bổ như thời gian qua.
Giải đáp thắc mắc về việc ai sẽ chịu trách nhiệm với sai phạm này, ông Vũ Văn Đông - Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ khẳng định ông sẽ nhận lỗi trong khâu quản lý và rút kinh nghiệm sâu sắc, tuy nhiên, huyện Chương Mỹ cũng đã hoàn thành vai trò của mình trong việc bảo toàn diện tích của khu di tích như việc hỗ trợ chùa xây tường bao, hồ sen và đường vào di tích…
Về vấn đề này, ông Phạm Quang Long cũng cho rằng, Sở không hề trốn tránh trách nhiệm của mình, sau khi có kết luận của đoàn thanh tra, lỗi của Sở đến đâu, trách nhiệm thuộc về ai chắc chắn sẽ được làm rõ. Tuy nhiên, việc kỷ luật ai, kỷ luật thế nào không quan trọng bằng việc di tích bị xâm hại thế nào và làm thế nào để khắc phục hậu quả.
Liệu có cứu vãn được di tích
Trả lời báo chí về việc khả năng phục hồi và cứu vãn lại, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Trùng tu di tích cho biết: Đây là dạng kiến trúc phương đình (phía sau hậu cung) để treo chuông và treo khánh. Chúng tôi cũng đã có các bộ hồ sơ từ thời Pháp, nghĩa là chúng tôi có rất nhiều hồ sơ để nghiên cứu. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát rất nhanh và khẳng định có đủ cơ sở để làm, nhưng làm đến đâu thì cũng phải có thời gian khảo sát chi tiết, đo đạc và mất nhiều thời gian... Để có thể phục hồi được nguyên trạng yêu cầu các nhà chuyên môn cần xác định được cấu trúc, chúng tôi đã xác định được hiện nay mái vẩy người ta đã làm khác hoàn toàn. Chúng tôi thấy trong các vật liệu dỡ xuống vẫn còn một số các đấu gỗ còn nguyên vẹn để có thể phục dựng lại. Tất nhiên không thể đủ được, nhưng có những cấu kiện cơ bản để phục dựng lại. Một số viên ngói cũ được dỡ xuống chưa vỡ cũng đã được giữ lại. Tất nhiên để phục dựng như ban đầu còn phải cả một quá trình. Bên cạnh đó, việc tháo dỡ, hạ giải nhưng không đánh số thì việc khôi phục lại khó khăn rất nhiều nhưng chúng tôi sẽ cố gắng phục dựng lại được nhiều nhất, đưa di tích gần nhất với nguyên trạng của nó. Cũng khẳng định thêm, hai hạng mục Nhà Tổ, Gác Khánh và bậc thềm đá bị xâm hại nghiêm trọng nhưng chưa phải là tất cả di tích.
Trả lời việc khi nào thì công tác phục dựng lại di tích Chùa Trăm Gian được tiến hành, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Trùng tu di tích khẳng định sẽ tiến hành mọi việc một cách nhanh nhất. Để tiến hành còn rất nhiều thủ tục và các bước nhưng không chờ đợi điều đó, mà sẽ bắt tay ngay vào nghiên cứu về công trình. Tuy vậy, thời gian cụ thể thì chưa thể xác định được...