Làm rõ trách nhiệm, lập lại kỷ cương
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:20, 30/08/2012
Trước một sự việc gây dư luận xấu trong cộng đồng, xu hướng đúng là phải nhìn thấu bản chất sự việc đặng tìm ra giải pháp chặn đứng những điều tương tự trong tương lai. Trong vụ chùa Trăm Gian, không cần tính đến những dữ liệu mang tính chi tiết như nhà chùa có xin phép ai trước khi phá nhà tổ, gác khánh? Như là tại sao dự án tu bổ chùa Trăm Gian của cơ quan có trách nhiệm có đã lâu mà chậm được phê duyệt thực hiện… giờ để chùa quý ra nông nỗi này. Điều quan trọng là chùa Trăm Gian giờ đã biến dạng, nét cổ kính đã mất quá nhiều, mà phía sau sự biến dạng ấy có rất nhiều điều lạ liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong việc quản lý di sản văn hóa.
Về phân cấp quản lý di sản trong trường hợp này, nhắm mắt cũng chỉ ra được những bộ phận liên quan. Ta có nhiều tầng bậc: cơ quan quản lý chuyên môn cấp cao thì có Bộ VH-TT&DL mà trực tiếp là Cục Di sản văn hóa, dưới "tí tẹo" là Sở VH-TT&DL Hà Nội. Ở địa phương, xét trên phương diện quản lý hành chính thì có chính quyền huyện, xã, chưa kể tai mắt nhân dân. Ở vụ chùa Trăm Gian, rất rõ một điều là từng ấy tầng nấc quản lý đã bị qua mặt (tức là để cho chùa bị phá, chứ có chuyện biết mà lờ đi hay không thì không đề cập ở đây). Đó là một điều lạ về việc thực thi trách nhiệm quản lý, cả về chuyên môn lẫn quản lý hành chính..
Truyền thông đã dẫn ra cái "công trình đập phá vĩ đại" ấy diễn ra vài tháng trời, người đi lại nhiều ở khu vực ấy nói rằng trụ sở chính quyền xã, huyện chỉ cách đó vài cây số, rồi cũng lại có tin nhà chùa cho mua gỗ mới từ tận Lào về (?)… Chừng ấy dữ kiện thôi đã có thể bác bỏ lời trần tình "không biết" có thể được nói ra bởi ai đó trong chính quyền cơ sở. Nói vậy cũng có nghĩa chỉ ra điều lạ thứ hai - sự vô cảm trước số phận di sản quốc gia trên địa bàn.
Sau khi sự việc được báo chí phanh phui, UBND TP Hà Nội ra văn bản yêu cầu các bên liên quan báo cáo cụ thể, làm rõ trách nhiệm, tất nhiên là một số tầng nấc quản lý đồng loạt có ý kiến về việc khắc phục hậu quả. Thoang thoáng trong những ý kiến đó đây có ý tứ "chuyền bóng trách nhiệm". Như từ cơ sở thì là phân cấp quản lý rồi, di tích cấp quốc gia ắt trách nhiệm phải thuộc cấp bộ. Như từ "phía trên" thì là "không đủ người để theo dõi từng di tích, việc quản lý phải dựa vào địa phương"… Đến đây, xuất hiện cảm giác lạ mà dường như không còn lạ nữa về phản ứng dễ thấy mỗi khi có sự cố cần phân định trách nhiệm liên quan. Cái sự "chuyền bóng" ấy liệu có phải là một trong số nguyên nhân cơ bản khiến việc tự ý tu bổ nhiều hạng mục ở không ít di sản văn hóa gây hậu quả xấu lặp đi lặp lại?
Sau những sự cố về xâm hại cổ vật trong di tích và về bảo tồn, trùng tu di sản vật thể trên phạm vi cả nước, trường hợp "phá chùa" ở Chương Mỹ như giọt nước tràn ly. Nó cho thấy trách nhiệm quản lý di sản văn hóa quốc gia bị buông lỏng, giải pháp quản lý thiếu hiệu quả đến mức đáng báo động. Tất cả đòi hỏi phải lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này, làm rõ trách nhiệm quản lý để có hình thức xử lý thích hợp nhằm bảo tồn, gìn giữ các di tích, di sản văn hóa trong tương lai.