Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:19, 29/08/2012
Báo cáo của các DNƯT cho thấy, khi đủ điều kiện tham gia chương trình, thời gian thông quan hàng hóa của DN đã giảm từ 2 giờ xuống còn 10 phút. Số tiền mà DN tiết kiệm được từ việc giảm các chi phí, nhất là chi phí liên quan đến lưu kho, lưu bãi lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ chương trình DN ưu tiên của ngành hải quan, thời gian thông quan hàng hóa của DN giảm từ 2 giờ xuống còn 10 phút. Ảnh: Linh Tâm |
Sau một năm thực hiện thí điểm chương trình DNƯT do TCHQ tổ chức, các DN tham gia đã đánh giá cao hiệu quả mà chương trình mang lại. Theo đánh giá của 12 DN đã được TCHQ công nhận là DNƯT, lợi ích mà chương trình này mang lại được thể hiện cụ thể qua việc thời gian thông quan hàng hóa của DN đã giảm từ 2 giờ xuống còn 10 phút; số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm chi phí, nhất là chi phí lưu kho, lưu bãi lên đến hàng trăm triệu đồng/DN/năm… Đặc biệt, chương trình DNƯT còn giúp nâng cao uy tín của DN với đối tác, khách hàng, qua đó góp phần giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều thuận lợi và ngày càng mở rộng.
Đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu MTV 2-9 Đắk Lắk (Tổng Công ty Lương thực miền Nam) cho biết, khi được công nhận DNƯT, thời gian làm thủ tục thông quan rất nhanh, chỉ trong vòng 5-7 phút/lô hàng và có thể khai cùng lúc cho nhiều tờ khai xuất khẩu. Đối với Công ty Brother (Nhật Bản), thời gian thông quan hàng hóa giảm khoảng 180 giờ/tháng. Chi phí do được miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hóa, phí lưu container, kho bãi, cảng của Công ty Brother đã giảm khoảng 1.200 USD/tháng. Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú giảm 80-100 USD/container; Công ty Sumidenso giảm khoảng 1.700 USD/tháng… Đại diện nhiều DNƯT cho rằng, việc thông quan nhanh đã tạo điều kiện cho hàng hóa nhanh chóng về đến nhà máy. Điều này không những giúp DN giảm được chi phí lưu kho hàng hóa, mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, giảm đáng kể thời gian, nhân lực đi lại. Một trong những lợi ích quan trọng nhất khi được TCHQ công nhận là DNƯT là việc DN sẽ nâng cao được uy tín, thương hiệu trên thương trường. Qua đó, giúp DN tạo dựng một uy tín tốt với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN khi muốn tiếp cận nguồn vốn vay.
Theo Phó Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Dương Thái, điểm khác biệt của DNƯT so với các DN khác là chính sách miễn kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, không kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN… Chế độ ưu tiên này không chỉ áp dụng cho từng lô hàng mà áp dụng đối với tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu của DN được công nhận. Mặc dù những lợi ích của chương trình DNƯT đã được khẳng định, song thực tế triển khai tại các địa phương cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Theo phản ánh của các DN, quy định về điều kiện kế toán minh bạch; các ưu tiên trong giai đoạn thông quan; điều kiện về kim ngạch của DN xuất khẩu, vấn đề sửa chữa tờ khai, bổ sung hồ sơ hải quan… là những tiêu chuẩn cần được xem xét, điều chỉnh. Một số đơn vị cũng kiến nghị TCHQ xem xét, mở rộng đối tượng DN được tham gia chương trình DNƯT trong thời gian tới…
Tiếp thu ý kiến đóng góp của DN, Phó Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Dương Thái yêu cầu Cục Kiểm tra sau thông quan, đơn vị chủ trì thực hiện chương trình DNƯT và các cục hải quan địa phương sớm rà soát những bất cập và kiến nghị sửa đổi theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Mỗi cục hải quan địa phương cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức hải quan về chương trình DNƯT, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn nữa đối với chương trình này.
Được biết, trong năm nay, một trong những mục tiêu phấn đấu của ngành hải quan là mở rộng áp dụng chế độ DNƯT, trong đó sẽ áp dụng chế độ này đối với các DN tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, như nhà sản xuất, kho bãi, bảo hiểm… Để thực hiện được mục tiêu trên, trong năm 2012, toàn ngành hải quan phấn đấu tăng số cuộc kiểm tra sau thông quan thêm 20% so với năm 2011 nhằm đánh giá, nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật của DN, tạo tiền đề cho việc triển khai, mở rộng chương trình DNƯT tới đông đảo DN.