Bao giờ nắm được "đằng chuôi"?

Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 29/08/2012

(HNM) - Trước thực trạng nông sản thực phẩm tồn dư chất bảo vệ thực vật, chất cấm gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, mới đây Hội Nông dân Hà Nội phối hợp với Hội Hóa học Hà Nội tổ chức hội thảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong sản xuất và tiêu dùng nhằm tìm giải pháp giữa các nhà sản xuất với các nhà khoa học, nhà quản lý và người sản xuất, tiến tới kiểm soát tốt các loại thực phẩm kể cả tươi sống và các thực phẩm đã qua chế biến.


Ngộ độc thực phẩm gia tăng

Theo thống kê của Cục ATVSTP (Bộ Y tế), năm 2011 cả nước xảy ra 142 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.533 người mắc, làm 3.562 người phải nhập viện, 25 trường hợp tử vong. Trong đó, số vụ nhiễm độc do hóa chất tăng mạnh và diễn biến phức tạp. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có khoảng 1.000 người bị ngộ độc, trong đó 4 người đã tử vong. TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia điểm lại: Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã xảy ra các vấn đề về an toàn thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm dành cho trẻ nhỏ như cơn bão melamin (protein giả) trong sữa năm 2008; tình trạng sữa có hàm lượng protein thấp năm 2009 và năm 2010 là sản phẩm kẹo phát sáng có PAHs… Đặc biệt từ đầu năm tới nay, nhiều vấn đề về ATVSTP đã gây lo lắng, hoang mang cho người tiêu dùng như: thịt chứa chất tăng trưởng, gạo giả, ô mai không bảo đảm chất lượng... Qua kiểm nghiệm chất lượng một số mẫu thực phẩm trên thị trường Hà Nội, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh cho thấy: 30/30 mẫu rau muống phát hiện có asen; 24/40 mẫu thịt tươi sống có ecoli… Vừa qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất 7/33 cơ sở làm giá đỗ lớn ở TP Hồ Chí Minh, phát hiện một số cơ sở đã sử dụng các hoạt chất 6-benzy laminopurine, gibberelin A28, 3G… ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng…

Ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 45.028 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học… Cũng giống tình trạng chung trong cả nước, công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra ở một số nơi. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và điểm giết mổ còn nhỏ lẻ, sản xuất trong các hộ gia đình nên chưa kiểm soát được, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, vỉa hè. Công tác xử lý vi phạm các quy định về mất ATVSTP của các ngành chức năng còn hạn chế, trong khi ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng chưa cao...

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Thực tế, mỗi năm nông dân Hà Nội cung cấp trên 600.000 tấn rau và thực phẩm các loại ra thị trường, ngoài ra nguồn rau và thực phẩm của các tỉnh đưa vào Hà Nội ước khoảng 360.000 tấn. Yếu tố ATVSTP trong số lượng nông sản thực phẩm này trực tiếp quyết định độ "sạch" của sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Vì vậy, nâng cao nhận thức và hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình là biện pháp quan trọng trong việc bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Nguyễn Hồng Hải, để hướng nông dân sản xuất nông sản "sạch", Hội đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động thi đua tới 100% cơ sở hội về công tác bảo đảm ATVSTP. Các cấp hội đã tổ chức quán triệt sâu rộng tới cán bộ, hội viên về các nội dung của Luật An toàn thực phẩm… từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm an toàn.

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội nhận định, ý thức của người nông dân trong quá trình tổ chức, sản xuất có ý nghĩa quyết định đến chất lượng nông sản, thực phẩm. Để đưa quá trình sản xuất và tiêu dùng nông sản, thực phẩm an toàn vào nền nếp, Nhà nước cần tập trung đầu tư hỗ trợ các vùng chuyên canh, quản lý theo quy hoạch và bao tiêu nông sản, thực phẩm cho nông dân; đồng thời quản lý chặt chẽ chất lượng thức ăn chăn nuôi, phân bón tổng hợp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y... qua đó kiểm soát việc sản xuất của người nông dân theo quy trình sản xuất sạch.

Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Trịnh Thế Khiết kiến nghị, để kiểm soát việc bảo quản và chế biến nông sản, thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí giúp nông dân thực hiện đúng quy trình, bảo đảm cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó cần hỗ trợ kinh phí cho việc sản xuất rau an toàn, thực phẩm sạch và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; tăng cường hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm gây mất ATVSTP...

Bạch Thanh