“Chuyện nhỏ”… cũng nóng
Du lịch - Ngày đăng : 06:30, 29/08/2012
Theo đó, những nhiệm vụ cơ bản của ngành trong thời gian tới bao gồm cả những việc lớn, như chấn chỉnh môi trường du lịch, cải tiến cách thức xúc tiến du lịch đến việc tưởng chừng là nhỏ như xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn…
Khách du lịch nước ngoài tham quan, mua hàng tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: Khánh Nguyên |
"Chuyện nhỏ" thành trọng tâm nghị sự
Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh, trong số rất nhiều vấn đề bất cập của ngành du lịch, thứ gây bức xúc nhất vẫn là chuyện thiếu nhà vệ sinh (NVS) công cộng đạt chuẩn tại các khu, tuyến, điểm du lịch. Chuyện tưởng là nhỏ mà không hề nhỏ bởi NVS du lịch mất vệ sinh là một trong những nguyên nhân cơ bản làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam. Thống kê cho thấy cả nước mới có 33% số NVS công cộng tại các khu, điểm du lịch đạt chuẩn. Số điểm du lịch cần xây mới hoặc chỉnh trang, nâng cấp NVS theo đúng quy chuẩn là 542, trong đó có 183 điểm cần phải thực hiện ngay trong năm nay. Ngay tại địa phương được đánh giá là có hạ tầng du lịch tương đối phát triển như Quảng Ninh hiện vẫn còn tới 35 điểm du lịch chưa có NVS đúng chuẩn; tỉnh Khánh Hòa còn 51 điểm, tỉnh Quảng Nam còn 23 điểm…
Khẳng định tầm quan trọng của hệ thống NVS công cộng đối với sự phát triển của ngành du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Ngành du lịch đặt ra mục tiêu đến năm 2014, 100% số điểm du lịch sẽ có NVS đạt chuẩn. Mục tiêu là vậy, nhưng thực tế không dễ thực hiện vì việc xây dựng các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch thuộc sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương, ngành coi trọng mục tiêu có hệ thống NVS tốt nhưng chính quyền sở tại cho đó là chuyện nhỏ, không tạo điều kiện thì cũng chịu.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL yêu cầu các địa phương nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai thí điểm xây dựng NVS đạt chuẩn tại một số điểm du lịch thuộc quản lý của Nhà nước; huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng NVS đạt chuẩn; xây dựng hệ thống xếp hạng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch, trong đó NVS công cộng là tiêu chí số một để đánh giá xếp hạng.
Tại một hội nghị tưởng như chỉ bàn đến quyết sách lớn của ngành du lịch mà Bộ trưởng và các quan chức cấp cao của ngành phải xắn tay chỉ đạo về… NVS, không hiểu lãnh đạo các sở, ban quản lý các khu du lịch nghĩ gì về trách nhiệm của mình?
Xúc tiến du lịch: Hướng vào điều khách hàng cần
Những bất cập trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được hội nghị đưa ra mổ xẻ. Một đại diện của Bộ Ngoại giao cho biết: Câu hỏi đầu tiên của nhiều khách quốc tế trước khi đến ta thường là Việt Nam có gì để thăm thú tìm hiểu, có gì để chơi. Trong khi đó, cẩm nang, tờ rơi giới thiệu về các điểm đến tiêu biểu, các sản phầm du lịch ở Việt Nam bằng tiếng nước ngoài còn rất ít. Trong nhiều chương trình giao lưu văn hóa, du lịch ở nước ngoài, các thành viên của BTC phải lấy thông tin về du lịch Việt Nam trên mạng, in màu rồi phô tô mới có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của khách hàng về các điểm đến của Việt Nam. Từ thực trạng đó, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng việc xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài không nhất thiết phải trưng ra những gì quá to tát như kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch hay du lịch Việt Nam đã đón bao nhiêu khách trong thời gian qua, tăng trưởng thế nào, mà hãy cho họ thấy đến Việt Nam họ sẽ được xem gì, chơi gì, có những gì thú vị mà đến nơi khác không có được.
Theo ý kiến của các chuyên gia, có thể hiểu công tác xúc tiến du lịch sắp tới cần lấy hiệu quả làm đầu, rõ tính chuyên nghiệp, có tính tổ chức chứ không phải mở hội linh đình là đạt mục đích. Ông Lưu Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hàng không nói: "Chúng ta nên thay đổi tư duy quảng bá du lịch. Đừng bao giờ nghĩ làm thế nào để thu được một đồng ngày hôm nay, mà hãy nghĩ làm thế nào để thu được mười đồng trong ngày mai. Chúng ta nên bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh để ngay khi đặt chân tới Việt Nam, khách nước ngoài đã cảm nhận được sự phục vụ chuyên nghiệp. Hãy làm những điều cụ thể, đơn giản đó trước khi tổ chức những hội chợ rầm rộ hay lễ hội tốn kém".
Ở Việt Nam, cách thức xúc tiến du lịch ở nhiều nơi mang tính tùy hứng, thiếu chuyên nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam là du lịch văn hóa, cộng đồng, là sự kết nối nhiều điểm đến, bởi vậy các địa phương không thể "đơn thương độc mã" mang sản phẩm du lịch đi giới thiệu. Bà Nguyễn Thị Hồng giới thiệu cách làm hay: Thay vì tổ chức xúc tiến du lịch đơn lẻ, TP Hồ Chí Minh đã liên kết với các địa phương khác để giới thiệu sản phẩm du lịch thú vị mang tính liên vùng (đường hoa Nguyễn Huệ, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam bộ)… Nhờ đó, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã tăng trưởng trung bình hơn 20% năm, doanh thu từ du lịch chiếm gần 44% tổng doanh thu du lịch của cả nước.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), nhu cầu du lịch của người dân trên toàn thế giới sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Do vậy, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam cũng cần được triển khai sao cho hiệu quả để đón lấy đà tăng này.