Liên kết để tăng sức cạnh tranh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:41, 28/08/2012
Hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Phương Thanh |
Rõ nét nhất là tăng trưởng XK và tăng thị phần XK, từ mức 5,9 tỷ USD năm 2006 lên mức 15,8 tỷ USD năm 2011, tăng trung bình khoảng 22%/năm. 7 tháng đầu năm 2012 dù bối cảnh thị trường thế giới đặc biệt khó khăn, kim ngạch XK dệt may vẫn đạt 9,24 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2011. Đến nay hàng DM của nước ta đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là thị trường Mỹ với kim ngạch hơn 6,8 tỷ USD trong năm 2011; tiếp đến là EU đạt 2,5 tỷ USD; Nhật Bản đạt 1,68 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, gia nhập WTO và ký kết các Hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu hàng DM Việt Nam vào các nước WTO được tính lại một cách bình đẳng và tạo điều kiện XK tốt hơn. Các DN trong nước đã tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh XK sang những thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Canada, Trung Đông, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường chính. Trong đó, XK sang Hàn Quốc 7 tháng qua đạt 453 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ. Ngành còn góp phần tạo việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động trên cả nước, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, là thành viên WTO, ngành DM đang phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt trong cạnh tranh. Đó là, hàng rào thuế bảo hộ đối với hàng DM trong nước đã giảm đến mức tối đa theo cam kết WTO: hàng may mặc từ 50% xuống 20%; vải từ 40% xuống còn 12%; sợi giảm từ 20% xuống 5%. Vì vậy, các nhà sản xuất DM trong nước phải cạnh tranh khốc liệt khi sản phẩm từ nước ngoài ồ ạt tràn vào, nhất là những nước cạnh tranh lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… Theo các chuyên gia, cạnh tranh trên thị trường thế giới đối với ngành hàng này sẽ ngày càng căng thẳng hơn, do nhiều nước đang tập trung nâng cao chất lượng, đẳng cấp sản phẩm. Mặt khác, Trung Quốc đã được Mỹ và EU bãi bỏ chế độ hạn ngạch sẽ khiến hàng DM nước ta phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm DM từ Trung Quốc và các nước Châu Á khác như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ…
Để tận dụng tốt những cơ hội từ WTO và các cam kết tự do hóa thương mại đem lại, ngành DM cần tận dụng những lợi thế có được, chú trọng cải tiến công nghệ, thiết kế mẫu mã đa dạng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất từ gia công sang các hình thức cao cấp, chuyên biệt hơn. Đồng thời, tăng cường liên kết để tăng sức cạnh tranh, đầu tư mạnh vào các giải pháp tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng khâu thiết kế thời trang và xây dựng thương hiệu.