Nâng ”tầm” chợ, dân xa?

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 28/08/2012

(HNM) - Một cuộc đối thoại ít người để ý nhưng lại rất thiết thân với vài trăm hộ buôn bán và người dân quanh khu vực Cầu Diễn, đó là cuộc họp do UBND huyện Từ Liêm tổ chức về việc dỡ chợ Cầu Diễn để xây lên ở đó một trung tâm thương mại khang trang, hiện đại.

in không bàn về các thủ tục hành chính, chắc mọi chuyện đều đúng quy trình, quy định. Cũng không bàn có hay không những khuất tất, vì đứng ngoài khó mà biết được. Chỉ bàn về một khía cạnh ai cũng nhìn thấy, nghe thấy, đó là vì sao động cơ đúng, quy trình đúng mà chợ Cầu Diễn (không phải là trường hợp đầu tiên của thành phố, phá chợ cũ đi để xây lên một trung tâm thương mại rộng hơn, đẹp hơn, phù hợp với nhu cầu văn minh, sạch đẹp của thành phố) vẫn bị nhiều người phản đối hoặc không nói ra nhưng kém phấn khởi?

Các chợ cũ, quen gọi là chợ truyền thống quả là có phần lộn xộn, nhếch nhác, nhiều chỗ xập xệ, không bảo đảm cho việc quản lý an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ… nên phải dỡ ra xây lại. Theo chủ trương này, lần lượt các chợ nổi tiếng của Hà Nội như chợ Hôm - Đức Viên, Cửa Nam, Ô Chợ Dừa, Hàng Da, Mơ… đều được xây dựng. Nhìn chung, diện tích được chồng cao tầng nên rộng hơn, chỗ bán hàng hoặc chỗ gửi xe đẹp hơn, khoa học hơn, cảnh quan đường phố cũng vì thế mà gọn ghẽ, thông thoáng hơn. Nhưng phần nhiều, những ngôi nhà rất đẹp trên nền chợ cũ đó khi xây xong lại không còn ý nghĩa chợ nữa. Thuê những quầy, ki ốt trong những ngôi nhà đó rất đắt nhưng lại ít khách, càng lên tầng trên càng ít khách. Bởi thế, trừ khi không từ chối được, các chủ quầy hoặc ki ốt mới đành phải ngồi. Chợ Ô Chợ Dừa là một thí dụ. Từ một khu chợ đầu ô thấp tụt xuống cạnh mặt đê, chật chội, rất nhiều bất tiện nhưng đông vui, sau khi thành "Trung tâm thương mại Ô Chợ Dừa" thì bắt đầu thưa dần người đến mua bán. Rút cuộc nhà xây xong bỏ không, phải cho thuê văn phòng, cứ tối đến là karaoke inh ỏi, còn những người mua bán thì tụ tập nhau ở vỉa hè quanh đó. Chợ Ô Chợ Dừa vẫn sầm uất nhưng sầm uất ở ngoài ngôi nhà bề thế kia, còn trong ngôi nhà cao tầng được ốp đá đỏ rất hoành tráng, chỉ có… 2 sạp hàng.

Từ việc chuẩn bị xây lại chợ Cầu Diễn và nhiều chợ khác đã xây theo hướng trung tâm thương mại hiện đại nhưng không được hưởng ứng, từ việc nhiều khu chợ được quy hoạch và xây dựng khang trang… nhưng không có người đến mua bán, đành phải chuyển đổi mục đích, một câu hỏi vừa mang tính kinh tế vừa mang tính văn hóa được đặt ra: Mô hình chợ mà chúng ta đề ra đã đúng chưa, đã phù hợp chưa?

Nếu câu hỏi này được đặt ra với các cơ quan quy hoạch, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường của thành phố, chắc chắn ta sẽ nhận được những câu trả lời rất giống nhau: Đó là vì mục đích để thành phố ngày càng quy củ, trật tự, xanh, sạch, đẹp; vì để phù hợp với xu hướng thương mại hiện đại; vì sự thuận lợi và an toàn cho cả người mua và người bán; vì đáp ứng cho nhu cầu của một thành phố đông dân… Nghe ra đều đúng nhưng thực tế lại không như thế. Trung tâm thương mại mọc lên là mất chợ, hay nói một cách khác, trung tâm thương mại một kiểu, chợ lại là một kiểu khác, không phải trung tâm thương mại là hình thức nâng cấp chợ truyền thống. Chợ cũ ở những địa chỉ nổi tiếng bao năm nay kể cả các chợ cóc, chợ đuổi có một nét rất riêng cả về kinh tế, cả về lịch sử, văn hóa của Hà Nội mà các trung tâm thương mại không thể thay thế được. Muốn Thủ đô văn minh, trật tự hơn, thương mại hiện đại hơn, phải sắp xếp, nâng cấp hơn 100 cái chợ nhưng sắp xếp, nâng cấp như thế nào, cần phải nghĩ kỹ, mình không nghĩ được thấu đáo thì huy động cả xã hội cùng nghĩ, lúc đó mới tránh được những điều không hay từ chủ trương rất hay này.

Vũ Duy Thông