Một người rất Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 10:13, 15/04/2004
Trước khi biết ông là cơ sở tình báo của cách mạng từ 1952 đến 1975, thì tôi và nhiều người đã biết ông là một nhà báo, nhà văn tài hoa và cao niên. Ông có đến non nửa thế kỷ lăn lộn với làng báo và có công gây dựng nhiều tuần báo, nhật báo: Việt nữ, Vịt đực, Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Việt tân văn, Ngày mai, Tiếng dân, Bạn trẻ, Cải tiến, Lửa sống, Sao trắng ….
Trước khi qua đời, ông kịp để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng: Bốn mươi năm nói láo, Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam, Thương nhớ mười hai, Mê chữ, Chân dung mười chín nhà văn đương thời … Ông là Vũ Bằng, một người rất Hà Nội, luôn nặng lòng với Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung. Tác phẩm Thương nhớ mười hai là minh chứng sinh động và đầy đủ cho sự hoài cảm, nhớ thương khôn nguôi của Vũ Bằng về Hà Nội và xứ Bắc.
Ngay trong Tự ngôn, phần mở đầu của cuốn sách Vũ Bằng đã viết: "Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ tu con buổi trưa mùa hè nhớ lại … Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những chồi sơn trúc, thạch hương ở Nghi Tàm có còn chứa phong quang như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào? Con đường Bách Thảo thơm nức mùi lan tây, hàng đêm, ta vẫn cùng đi cùng người vợ bé nhỏ, bồng bế con trên tay để đi thăm người bạn sống cô chích ở trong vườn bìm bịp bây giờ ra thế nào?"
Và cũng ngay trong Tự ngôn, cái nhớ đã khiến Vũ Bằng phải thốt lên: "Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này! Thì ra cái người nhớ Hà Nội, nhớ Bắc Việt cũng như thể là chàng trai nhớ gái".
Rồi ông mặc cho ngòi bút đưa đẩy với cái nhớ: Tháng giêng, mơ về trăng non núi ngọt; Tháng hai, tương tư hoa đào; Tháng ba, rét nàng Bân; Tháng tư, mơ đi tắm suối mường; Tháng năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng sáu, thèm nhãn Hưng Yên; Tháng bảy, ngày rằm xá tội vong nhân; Tháng tám, ngõ đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu; Tháng chín, gạo mới chim ngói; Tháng mười, nhớ gió bấc mưa phùn; Tháng một, thương về những ngày nhể bọng con rận rồng; Tháng chạp, nhớ ơi chợ Tết.
Giáo sư Hoàng Như Mai cho rằng: Đây là nỗi nhớ thời trân mang dấu ấn (những vật sản quý đương mùa, cắt nghĩa từ thời là mùa, trân là quý), mà có lần đại thi hào Nguyễn Du từng hạ bút khi chàng Kim đón cô Kiều ở nhà mình (trong truyện Kiều): Thời trân thức thức sẵn bày.
Trong 13 phần của cuốn sách, không phần nào là Vũ Bằng không nhắc đến Hà Nội. Đây là những dòng viết sống động về tháng giêng: "Ờ, cứ vào dạo này đây, ở Bắc người ta đi lễ vui đáo để. Chiều chiều, đứng ở nhà khai trí Tiến Đức nhìn lên cầu Thê Húc sơn đỏ ở giữa đám cây xanh đông đảo những người đi lễ trong ngôi đền Ngọc Sơn trắng tóat, anh cảm thấy có những lúc nước lộn lên trời, trời rơi xuống đất khi nhìn những bóng người hiện ra huyền ảo dưới làn nước xanh mơ…". Còn đây là những dòng viết chân thực về tháng ba: "Phải rồi, vào mùa này đây, hoa gạo bắt đầu nở đỏ chói ở ven hồ Hoàn Kiếm, rơi xuống nước xanh, rụng xuống cỏ xanh …"
Đọc Thương nhớ mười hai, chúng ta như cảm thấu được tâm hồn và nỗi lòng đắm đuối, đam mê Hà Nội, xứ Bắc của Vũ Bằng. Những trang văn truyền cảm của ông tiếp nối một cách hanh thông qua những con chữ run rẩy, đắm đuối. Chưa kể tâm sức ông đầu tư thời gian cho tác phẩm này hết trọn 11 năm (bắt đầu viết từ tháng giêng năm 1960, tiếp tục viết năm 1965 và hoàn thành việc viết vào năm 1971).
Tâm phục, khẩu phục ông, mà kẻ hậu sinh - người viết bài viết nhỏ này đã viết về ông khi mạo muội nhập vai ông: "Nước chảy xuôi, còn cá thì lội ngược/Bao khúc quanh đắm đuối Hồng Hà/ Bao khúc réo nổi trôi dòng quặn xiết/ Gặp biển rồi, ai quay mặt nhìn ta?/Thương nhớ mười hai, thương nhớ hồn xưa/ Ta thương nhớ. Chỉ mình ta thương nhớ…"
Đặng Huy Giang