Thuật toán và quyền mưu (tiếp)
Sách - Ngày đăng : 10:25, 27/08/2012
D. Thuật đoán mệnh
Những người nghiên cứu về mệnh lý cuộc đời vẫn cho rằng, con người ta từ khi hình thành trong bụng mẹ đã có số phận của riêng mình rồi. Vì thế, cần phải dựa vào năm, tháng, ngày, giờ sinh ra, để dự đoán họa, phúc của một đời người. Cuộc đời mỗi người đều phải trải qua 12 giai đoạn: Trường sinh (cất tiếng khóc chào đời) - Mộc dục (bắt đầu cắt rốn, tắm rửa để hòa nhập vào đời sống) - Quan đới (được chăm sóc, nuôi dạy và trưởng thành) - Lâm quan (thi cử, đỗ đạt, lập nghiệp) - Đế vượng (đạt vinh hoa, phú quý ở mức cao nhất mà số phận sắp đặt) - Suy (bắt đầu suy giảm) - Bệnh (có tuổi tác, bệnh tật) - Tử (điều trị, chữa bệnh, chấm dứt cuộc đời) - Mộ (lễ tang, chôn cất) - Tuyệt (vong đã thoát, cốt đã tan) - Thai (bắt đầu thu gom linh khí của tinh tú để hình thành một sinh linh mới) - Dưỡng (phôi thai bắt đầu phát triển trong bụng mẹ). Vận mệnh bao gồm ý nghĩa sinh mệnh (khi sinh ra đã được sắp đặt sang-hèn-thọ-yểu rồi) và vận khí (những bước thăng trầm của cuộc đời mà một người phải trải qua). Tuy nhiên, điều khó nhất và chưa thể phân biệt được rõ ràng chính là, định nghĩa về tốt-xấu, sướng-khổ của đời người. Ví dụ, so sánh một người có đầy đủ tiền tài, đạt danh vọng, vinh quang, nhưng bố mẹ ốm đau, con cái nghiện hút, vợ bỏ, người thân xa lánh, với một người có gia đình lao động, nghề nghiệp bình thường, địa vị xã hội xoàng xĩnh nhưng tay nghề giỏi, con ngoan học giỏi, khỏe mạnh, gia đình đầm ấm, vui vẻ, thì biết đâu là sướng khổ, tốt xấu? Hay có những kẻ sinh ra trong nhà có điều kiện, du học đốt tiền, ăn chơi lêu lổng, bán hết cơ nghiệp để chích hút rồi sa cơ lỡ vận, lụi tàn dần - đáng khinh; ngược lại, những người xuất thân nghèo khổ, vừa làm vừa học, kiếm tiền nuôi cả gia đình, nhưng quyết chí thành công để tự khẳng định mình trong xã hội - đáng phục! Và còn nhiều ví dụ nữa, nhưng dù thế nào con người cũng phải muốn làm, quyết làm, tức là phải mưu sự cho cuộc đời mình và phải làm bằng được (tất nhiên cái mưu sự này không loại trừ những phương pháp mờ ám như: Hối lộ, mua danh, đút lót, cậy thế… rất phiền toái!).
Trong thực tế đời sống xã hội, rất khó có thể dự đoán chính xác số phận (vận mệnh) của một con người cụ thể, bởi những tác động khách quan và chủ quan như: Hoàn cảnh sống, địa điểm sinh sống, phong tục văn hóa, trình độ văn hóa, hiểu biết tri thức, khả năng tư duy, sức khỏe và may mắn. Tổng quan lại, có thể nói rằng: Vận mệnh của mỗi người là khả năng thích nghi và phát triển của cá nhân đó đối với quy luật tuần hoàn khách quan của tự nhiên. Các nhà triết học khẳng định: Vạn vật đều do Ngũ hành tạo nên và mang bản chất đặc tính của 5 hành: Kim-Thủy-Mộc-Hỏa-Thổ. Vì vậy, phương pháp đoán mệnh cho một người căn cứ vào Ngũ hành gồm các bước cơ bản sau:
- Xác định Can, Chi của năm, tháng, ngày, giờ sinh của người đó, rồi phân chia theo Ngũ hành. Ví dụ Giáp, Ất và Dần, Mão thuộc Mộc; Bính, Đinh và Tị, Ngọ thuộc Hỏa; Mậu, Kỷ và Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thuộc Thổ; Canh, Tân và Thân, Dậu thuộc Kim; Nhâm, Quý và Tý, Hợi thuộc Thủy.
- Phân tích chất vượng suy của Ngũ hành theo 4 mùa. Ví dụ Mộc vượng ở mùa Xuân, hao ở mùa Hạ, bị khắc ở mùa Thu, dưỡng ở mùa Đông.
- Tìm hiểu các mối quan hệ của Ngũ hành trong Thiên can và Địa chi của người đó theo nguyên tắc tương sinh và tương khắc với 5 mức: Vượng, hao, khắc, bị khắc, bình. Qua đó có thể đưa ra những nhận xét đại cục đối với vận mệnh của người đó từ khi sinh ra đến khi qua đời.
Ngoài ra, cũng còn nhiều bộ môn khác dùng để đoán mệnh, nhưng phổ thông nhất vẫn là môn Tử vi cũng dựa trên các yếu tố năm, tháng, ngày, giờ ra đời của một con người. Các thuật gia Tử vi sẽ phân chia 108 ngôi sao vào 12 cung chính: Mệnh (bản mệnh) - Phụ mẫu (cha mẹ) - Phúc đức - Điền trạch (nhà cửa, đất đai) - Quan lộc (địa vị xã hội) - Nô bộc (bạn bè, quan hệ xã hội) - Thiên di (di chuyển) - Tật ách (bệnh tật) - Tài bạch (khả năng) - Tử tức (con cái) - Phu thê (chồng, vợ) - Huynh đệ (anh, chị em) và dự đoán số phận, các lĩnh vực thuộc 12 cung và các vận hạn theo vòng 10 năm. Hay như bộ môn Hà Lạc Bát Tự cũng sử dụng các yếu tố năm, tháng, ngày, giờ sinh, nhưng lại dựa vào đó quy ra số rồi lập thành quẻ và dùng phép thay đổi 6 hào trong quẻ để biểu hiện các vòng hạn 6 năm (âm) và 9 năm (dương).
E. Thuật sấm vĩ (văn tự ẩn ngữ)
Đây là một cách đưa ra những lời dự đoán trước những sự việc xảy ra trong tương lai với hai thể loại sấm văn tự và sấm tranh vẽ. Những lời gọi là sấm truyền này được truyền bá dưới dạng văn vần hoặc thơ tự do, thường là tác giả khuyết danh. Lời văn và ngữ nghĩa quanh co khó hiểu, càng gợi ý cho người ta giải đoán bằng nhiều cách, nhưng tuy vậy cũng có thể khẳng định, những người sáng tạo ra lời sấm này có trình độ văn hóa và học thức khá cao.
Tranh sấm thì dựa vào hình vẽ để giải đoán, có thông tin nói bắt đầu từ thời Tống, do Trần Đoàn sáng tạo ra. Ở nước ta, từ lâu cũng đã lưu truyền trong dân gian một loại thơ sấm được cho là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm viết ra, nên gọi là Sấm Trạng Trình. Không ít người đã tin vào thơ sấm này, vì nghe nói nó đã được kiểm chứng trong tiến trình lịch sử nước ta và đã đúng đến năm 1975!
F. Thuật Kỳ môn độn Giáp
Sách sử chép rằng, thuật này ra đời từ thời nhà Chu, nhằm giúp con người biết được những quy luật của tự nhiên, các yếu tố thời gian và không gian để phục vụ đời sống. Lúc đầu Kỳ môn quy định mỗi giờ là 1 đơn vị, một năm có 365 ngày nhân với số giờ sẽ bằng 4.320 giờ (cũng gọi là cục), về sau được chia thành 72 cục một năm và thể hiện bằng Bát quái. Kỳ môn sử dụng 9/10 Thiên can để lập phương trình tính toán, riêng Thiên can đầu là Giáp thì ẩn đi nên gọi là độn Giáp. Chín Thiên can còn lại được phân thành Tam kỳ, Lục nghi. Tám phương vị được chia thành Bát môn (8 cửa): Sinh, Thương, Cảnh, Tử, Khai Hưu… Khi Tam kỳ hợp với cửa Cát trong Bát môn thì gọi là Kỳ môn. Thời trước, Kỳ môn chủ yếu được áp dụng vào bố trí binh lực và đánh trận, vì nó dự đoán được và giúp tạo cơ hội chiến thắng. Ngày nay, Kỳ môn vẫn được sử dụng trong thương trường và chiến lược kinh doanh để tận dụng cơ hội thành công. Thậm chí, không ít người nghiên cứu Dịch học ở Hà Nội còn hì hụi lập toán Kỳ môn hàng ngày để tính cả xổ số và số đề nữa, nhưng kết quả thì chắc chưa thành công(!?).
G. Thuật Lục nhâm
Nếu lấy 10 Thiên can phối hợp với 12 Địa chi sẽ thành chu kỳ 60 năm gọi là Lục thập hoa giáp, trong đó có mỗi Can dương sẽ xuất hiện 6 lần kết hợp với các Chi dương và mỗi Can âm cũng sẽ xuất hiện 6 lần kết hợp với các Chi âm. Ví dụ Nhâm (Tý-Dần-Thìn-Ngọ-Thân-Tuất). Người ta chia ra Thiên bàn (khắc 10 Thiên can) và Địa bàn (khắc 12 Địa chi). Đem Thiên bàn đặt chồng lên Địa bàn và quay tròn, đến khi dừng lại sẽ dùng 12 Thời thần như: Thần hậu, Đại cát, Thiên cương, Thái nhất... để đoán cát hung. Lục nhâm quan hệ với Ngũ hành bằng 12 Tướng gồm 4 hành có hai Tướng là Kim-Mộc-Thủy-Hỏa, còn riêng Thổ có 4 Tướng.
H. Thuật Thái Ất
Thuật này dựa vào Cửu cung, vốn là một sơ đồ số cổ (chính là luận giải số đầu tiên của Lạc Thư, tức là 45 chấm tròn đen trắng xếp trên lưng một con rùa nổi lên ở sông Lạc Thủy). Hình Cửu cung có 9 ô số theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, thì các số sắp xếp như sau: 4,9,2-3,5,7-8,1,6 và tổng các dãy số ngang dọc chéo đều bằng 15. Số 1 thuộc sao Bắc Đẩu, ứng với cung Khảm. Cách tính Thái Ất bắt đầu từ cung này chuyển theo vòng đến cung Ly ở số 9. Người chiêm bốc sẽ căn cứ vào cung vị mà Thái Ất rơi vào, theo Thiên can, Địa chi, Dịch lý, Ngũ hành để chọn ra ngày, giờ tốt xấu, cát hung. Trong binh pháp xưa cũng có Cửu cung Bát quái trận đồ, chính là căn cứ vào phương vị của Bát quái và Ngũ hành sinh khắc để lập trận, chiếm giữ lợi thế trước đối phương.