Hỗ trợ DN nhỏ và vừa: Rất cần liên kết, hợp tác

Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 27/08/2012

(HNM) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm khoảng 97% tổng số DN cả nước. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của đội ngũ DN này, tuy nhiên, hầu hết DNNVV đều có chung một số điểm yếu không thể khắc phục một sớm một chiều. Vì vậy, nâng cao hiệu quả hỗ trợ cộng đồng DN này là hết sức cần thiết…

Giãn, giảm thuế là một trong nhiều giải  pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. Ảnh: Ý Như

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DNNVV thường có quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu chỉ sản xuất một số loại sản phẩm đơn giản, với sản lượng hạn chế. Trong khi đó, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay, chủ DN chỉ tự đáp ứng được 20-30% số vốn cần thiết để hoạt động. Chất lượng nguồn nhân lực của DNNVV luôn thấp ở mức báo động, với khoảng 30% lực lượng đã qua đào tạo. Ngay đội ngũ giám đốc DNNVV cũng có đến 70% chưa qua đào tạo cơ bản hoặc được tiếp thu những kiến thức cần thiết để "hành nghề giám đốc".

Do thiếu vốn và đặc biệt là ảnh hưởng của sự hạn chế về trình độ khoa học - công nghệ nên đa số DN đều sở hữu dây chuyền sản xuất lạc hậu, từ đó đưa ra thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh thấp. Tính sơ bộ, có 50% số doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, 40% DN sử dụng công nghệ ở mức trung bình, chỉ có 10% DN là có công nghệ đạt mức tiên tiến so với khu vực. Với những yếu kém có tính chất cố hữu nói trên, DNNVV luôn là đối tượng dễ bị "tổn thương" khi thị trường xuất hiện những bất ổn. Từ đó, DN rơi vào cảnh khát vốn, bị đe dọa bởi lãi suất ngân hàng và phải chịu đựng các chi phí đầu vào tăng cao. Nhiều doanh nghiệp không thể chống đỡ hay cầm cự trong bối cảnh khó khăn hiện tại nên đã buộc phải rút lui khỏi thị trường. Thực tế đó lý giải vì sao số lượng DN ngừng hoạt động hay giải thể từ đầu năm đến nay cao hơn hẳn so với cùng kỳ những năm trước trên phạm vi toàn quốc.

Trước thực trạng đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ DN. Trong đó đáng chú ý là việc giãn, giảm thuế, từ đó chia sẻ gánh nặng tài chính đối với các DN. Nhưng một số chuyên gia góp ý rằng, hiện tại chỉ có khoảng 30% DN hoạt động hiệu quả, tức là chỉ từng ấy DN có thu nhập để đóng thuế thu nhập, nên việc cho phép DN được giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2012 sẽ không mang lại tác dụng thực tế đối với 70% DN còn lại. Từ đó, các nhà làm chính sách cần có sự điều chỉnh, thay thế bằng những biện pháp phù hợp với yêu cầu thiết thực của DN hơn. Mặt khác, bản thân các ngân hàng cũng nên linh hoạt trong việc thẩm định, xem xét khả năng cung ứng vốn cho DNNVV bởi nếu chỉ quyết định cho vay khi DN có tài sản thế chấp một cách cứng nhắc thì hầu như toàn bộ DNNVV không thể đáp ứng tiêu chí này trong thời điểm hiện tại. Đại diện DN mong muốn Chính phủ nên xem xét khả năng áp dụng chính sách "khoanh nợ" tức là tạm thời gác lại số nợ cũ, coi như DN đã trả xong nợ để có thể vay tiếp vốn ngân hàng.

Gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh tác động của việc các cơ quan cùng có chức năng thuộc một địa bàn sẽ chủ động liên kết, hợp tác với nhau để phối hợp hành động nhằm hỗ trợ DN đạt hiệu quả cao hơn. Cụ thể, vừa qua Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã họp với nhiều cơ quan, hiệp hội khác, như Trung tâm hỗ trợ DNNVV của VCCI, Hiệp hội DNNVV Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ DNNVV khu vực phía bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)… để bàn cách hợp tác theo xu hướng đó. Cụ thể, các cơ quan sẽ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ DN và kết nối DN với chính quyền, xây dựng cơ sở dữ liệu về DNNVV trên địa bàn. Thậm chí, nhiều cơ quan quản lý có thể tổ chức chung một sự kiện nếu cùng có nội dung tương tự để tiết giảm thời gian, kinh phí. Đặc biệt, các cơ quan này nên hợp tác trong thu hút DN tham gia những sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài nước; giới thiệu và tìm bạn hàng; hợp tác trong ký kết và thực hiện đơn hàng… để nâng cao hiệu quả kinh tế. Chính quyền, các cơ quan chức năng cũng lưu ý, quan tâm thỏa đáng đến việc cung cấp thông tin thị trường, các văn bản pháp quy để giúp DN an tâm khi tiếp cận thị trường mới kết hợp tuyên truyền, vận động người tiêu dùng hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm.

Hồng Sơn