Nhà báo Hoàng Giáp vì nghề, vì nghiệp

Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 27/08/2012

(HNM) - Một chiều mùa đông, bên ly cà phê trong quán vắng, ông bạn Hoàng Giáp tâm sự:


Khoảng những năm 1943-1944, khi còn ngồi trên ghế trường trung học, thỉnh thoảng Hoàng Giáp có bài thơ đăng trên trang học sinh của Nhật báo Tin Mới ra thứ năm hằng tuần. Song, nếu có cái gì gọi là "nghề", hiểu theo nghĩa kiếm được tiền, thì với Hoàng Giáp, nghề đầu tiên trong đời ông là dạy học, chứ không phải viết báo. Dù học ở Nam Định (quê ông), ở Hà Nội hay ở Thái Bình, ở đâu ông cũng vừa là học sinh, vừa là gia sư. Giữa năm 1947, Ty Bình dân học vụ Nam Định mở cuộc thi tuyển cán bộ phụ trách Bình dân học vụ cấp huyện, Hoàng Giáp nộp đơn dự thi và trúng tuyển, được cử làm Kiểm soát viên Bình dân học vụ huyện Nghĩa Hưng.

Ba năm sau, ông mắc bệnh lao, thổ ra máu, phải nghỉ việc, lên Hà Nội chữa bệnh, lúc ấy Hà Nội đã bị Pháp tạm chiếm. Tại Bệnh viện Bạch Mai, không ngờ ông lại gặp một cán bộ hoạt động bí mất giữa đô thành. Đó là Dương Hải Di - tức Dương Linh - cán bộ Đoàn Thanh niên Hà Nội (sau này Dương Linh chuyển sang làm báo, trở thành Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới). Hai chàng trai nhanh chóng hiểu nhau, cùng sôi nổi, khát khao hướng về lý tưởng, về cách mạng. Dương Linh tin tưởng giao cho Hoàng Giáp làm việc vận động thanh niên, học sinh bằng cách đem truyền đơn chống bắt lính đi nhét vào khe cửa một số nhà ở phố, đem ảnh chiến thắng của bộ đội chuyền tay bè bạn thân quen hoặc gửi những tài liệu khác qua bưu điện. Những việc ấy nghe ra rất nhẹ nhàng, bình thường nhưng không có đầu óc tính toán cẩn thận, chặt chẽ, dễ bị sa lưới mật vụ, cảnh sát. Và đường dây bí mật hình thành từ đây, vào đầu năm 1950.

Ra viện, Hoàng Giáp lại đi làm gia sư, thỉnh thoảng dịch tài liệu gửi đến các báo. Và đến cuối năm 1950, ông Hoàng Giáp được Báo Liên hiệp lấy vào làm phóng viên. Ngay từ khi bắt đầu và suốt quá trình làm Báo Liên hiệp, Hoàng Giáp liên lạc đều với Dương Linh và Nguyễn Bắc - sau này là Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội. Những lần gặp mặt ấy, các ông phân tích cho Hoàng Giáp nghe các khuynh hướng chính trị của từng tờ báo hằng ngày, hằng tuần trong lòng địch. Từ đó, Hoàng Giáp như là một liên lạc viên được tín nhiệm của Dương Linh và Nguyễn Bắc. Ông được giao nhiệm vụ nhận tài liệu là các bài thơ, bài báo trích từ sách, báo ngoài… từ vùng kháng chiến (được đánh máy và in lại bằng rô-nê-ô trên giấy tốt) chuyển tới các cơ sở trong đường dây bí mật ở các phố.

Mối quan hệ giữa Dương Linh và Hoàng Giáp ngày càng mật thiết. Hoàng Giáp giúp Dương Linh có "đất làm ăn", dựng trang chiếu bóng, ra đều đặn vào thứ sáu hằng tuần trên Báo Liên hiệp, thời gian cũng tới gần 2 năm.

Năm 1955, nhà báo Hoàng Giáp làm phóng viên Báo Thời Mới. Năm 1968 ông chuyển sang Báo Hànộimới do hai báo hợp nhất. Là phóng viên Ban Công thương, sau đổi thành Ban Kinh tế, ông được phân công theo dõi ngành thương nghiệp. Mỗi tuần có một trang chuyên đề, trong đó có chuyên mục "Dạo quanh thị trường"; điều tra là thể loại được độc giả đón đọc. Tác giả Trần Thành (bút danh của nhà báo Hoàng Giáp) đã tốn công đi lại, tìm gặp nhiều người, sưu tầm tư liệu, viết đi viết lại công phu nhằm vạch trần những vụ buôn lậu lớn trốn thuế, làm hàng giả của những thương nhân làm ăn bất chính thời bao cấp. Năm 1989, nhà báo Hoàng Giáp nghỉ hưu.

Tôi hỏi: "Mấy chục năm làm báo, ông có kỷ niệm gì?". Hoàng Giáp cho biết: Cho rằng việc mình làm nhỏ bé, chẳng có gì ghê gớm, nên mãi mấy chục năm sau, được một người bạn giải thích và thúc giục, ông mới làm đơn trình bày về 4 năm hoạt động trong Hà Nội bị tạm chiếm, có chứng nhận của các ông: Dương Linh, Nguyễn Bắc cùng Ban biên tập Báo Hànộimới. Và Hoàng Giáp được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký ngày 6-9-2001 nhưng đi lĩnh về thì cất vào tủ, chẳng ai biết.

Viết lại câu chuyện này, nghĩ về bạn đồng nghiệp đồng tuế, đồng niên thân thiết, tôi nhận ra một con người đầy nghị lực, vượt qua bao thử thách, hiểm nguy, vẫn giữ vững tấm lòng son, còn vận động nhiều người khác ấp ủ niềm kiêu hãnh và khát vọng độc lập, tự do. Khi tại chức, ông thật năng động, vừa viết báo, vừa đi dạy ngoại ngữ. Nghỉ hưu, ông không buông bút, vẫn say nghề, viết cho các Báo An ninh Thủ đô, Công an nhân dân, Hànộimới, cho thấy: Tuổi già nhưng sức làm việc rất trẻ. Bút danh Trần Thành của ông không bị quên lãng, vẫn gần gũi với bạn đọc gần xa. Chỉ chừng ấy việc cũng đủ nói lên nhà báo họ Hoàng đã sống và hoạt động như thế nào.
Đêm 25-8-2012

Thọ Cao