Vì sao nhiều thủ khoa chưa mặn mà?

Giáo dục - Ngày đăng : 07:04, 26/08/2012

(HNM) - Mỗi dịp tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện (ĐH, HV) trên địa bàn TP Hà Nội, câu chuyện tuyển dụng thủ khoa vào làm việc tại các cơ quan nhà nước lại được nhiều người quan tâm.



Khác với những năm trước, thủ khoa được tuyển thẳng vào cơ quan nhà nước theo cơ chế đặc thù; năm 2012, các thủ khoa có nguyện vọng sẽ được tuyển dụng theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Song, vẫn chưa có nhiều thủ khoa mặn mà…

Các thủ khoa cần được tạo những điều kiện tốt nhất để có thể đóng góp công sức và trí tuệ trong các cơ quan nhà nước. Ảnh: Nhật Nam

Tại buổi họp báo Chương trình tuyên dương thủ khoa xuất sắc các trường ĐH, HV năm 2012 trên địa bàn TP Hà Nội mới đây, nhiều thủ khoa có mặt đã chia sẻ những nguyên nhân khiến họ không thiết tha vào làm việc ở các cơ quan nhà nước. Phạm Thái Hà, khoa Vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ nguyện vọng: "Sau lễ tuyên dương, em sẽ về nhận công tác tại Trường ĐH Công nghệ, vừa làm giảng viên, vừa nghiên cứu khoa học". Còn Nguyễn Minh Hạnh, khoa Tài chính doanh nghiệp (DN), HV Tài chính cũng muốn "thử sức" một thời gian ở cơ quan, song còn nhiều băn khoăn về chính sách tiền lương không bảo đảm cuộc sống, môi trường công tác gò bó… Nhìn chung, nhiều thủ khoa bày tỏ quan điểm, dù nhiệt huyết đến mấy, ngoài vấn đề thu nhập, thì môi trường làm việc chuyên nghiệp, cởi mở mới có thể giữ chân được người tài để họ cống hiến. Điều này, lại là hạn chế của nhiều cơ quan hành chính nhà nước hiện nay.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Nguyễn Thị Vinh, trong 9 năm tuyên dương thủ khoa, TP Hà Nội mới có 107 thủ khoa về công tác tại các cơ quan của Hà Nội trên tổng số 973 thủ khoa được tuyên dương (trong đó 32% về công tác tại các cơ quan hành chính, 30% về công tác tại ngành GD-ĐT, 24% về công tác tại ngành y tế, còn lại công tác ở ngành văn hóa và DN). "Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của TP Hà Nội nhận thủ khoa vào làm việc đánh giá cao khả năng, trách nhiệm của từng người trong quá trình công tác, nhất là ở lĩnh vực y tế và giáo dục, vì hai ngành này, chuyên môn thủ khoa học ở trường phát huy được ngay. Còn riêng lĩnh vực hành chính sự nghiệp, thì mỗi thủ khoa phải có thêm thời gian nhất định học kiến thức quản lý nhà nước. Thêm nữa, quá trình làm việc phải từ 2 đến 3 năm mới tích lũy được kinh nghiệm, thuần thục trong công việc" - bà Vinh cho biết thêm.

Thành đoàn Hà Nội là đơn vị nhiều năm được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội giao làm cơ quan thường trực tổ chức chương trình gặp mặt và tuyên dương thủ khoa xuất sắc các trường ĐH, HV trên địa bàn TP Hà Nội. Tại mỗi kỳ tuyên dương, Thành đoàn Hà Nội đều tổ chức lấy phiếu thăm dò nguyện vọng của thủ khoa. Qua thăm dò, có đến 70% thủ khoa đều bày tỏ mong muốn được đi học tiếp sau ĐH; hơn 20% muốn làm việc cho công ty nước ngoài. Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, thực tế sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, nhiều thủ khoa đã nhận được nhiều lời mời du học, hoặc tuyển dụng của các công ty nước ngoài. Chính vì thế con số thủ khoa vào làm tại các cơ quan nhà nước thấp. Năm 2011, Thành đoàn Hà Nội là đơn vị duy nhất trên địa bàn TP Hà Nội nhận 4 thủ khoa về làm việc tại các phòng, ban phong trào. Năm 2012, trong số gần 400 thủ khoa gặp mặt và tuyên dương, nếu thủ khoa nào có nguyện vọng về làm việc tại các cơ quan nhà nước thì liên hệ với Sở Nội vụ TP Hà Nội để biết thông tin.

Thiết nghĩ, dù thành phố có ưu ái mấy thì cũng không thể vượt ra ngoài quy định chung về chế độ, chính sách của Nhà nước. Thủ khoa cũng vậy, các cơ quan nhà nước không thể trả lương cao đến 30 triệu đồng/tháng để thu hút nhân tài, vì nếu trả như vậy thì quá "vênh" so với quy định. Trong một bối cảnh chung, tình hình kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng của suy thoái, vấn đề việc làm khó khăn hơn nhiều so với mấy năm trước, thì việc các thủ khoa được tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội đã là một niềm vui. Thủ khoa không có hộ khẩu ở Hà Nội cũng được tuyển thẳng; ai có nhu cầu đi học sau ĐH thì vẫn được TP Hà Nội tạo điều kiện về thời gian, kinh phí; sau khi học xong được sắp xếp vị trí công tác. Đây được ví như "chính sách ưu ái" dành riêng cho mỗi thủ khoa tốt nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội…

Chương trình gặp mặt và tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, HV trên địa bàn TP Hà Nội năm 2012 ( diễn ra vào tối nay 26-8) gồm 275 thủ khoa thường và 107 thủ khoa xuất sắc. Mục tiêu của chương trình tôn vinh nhằm khuyến khích sự hiếu học của các sinh viên. Trong số 107 thủ khoa xuất sắc, có 40 thủ khoa là đảng viên; 6 thủ khoa có hoàn cảnh khó khăn, 4 thủ khoa là con thương binh, liệt sĩ.

Việt Tuấn