Mục đích trên hết là sử dụng đất đai có hiệu quả, tránh lãng phí

Xã hội - Ngày đăng : 06:33, 26/08/2012

(HNM) - Sau quá trình thanh tra, kiểm tra, cuối tháng 7-2012, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố ra quyết định thu hồi trên 8,1 triệu mét vuông đất của 11 tổ chức, DN trên địa bàn do những vi phạm pháp luật về đất đai.

Điều đó cho thấy thái độ quyết liệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội và các ngành chức năng trong việc xử lý các dự án "treo", gây bức xúc dư luận xã hội, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đây cũng là chủ đề chính cuộc đối thoại của Báo Hànộimới với ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội.

KHÔNG THỂ VUI KHI TỚI 8,1 TRIÊU MÉT VUÔNG ĐẤT BỊ THU HỒI

- Thưa ông, từ năm 2009 đến năm 2011 Hà Nội đã thu hồi khoảng 23 nghìn mét vuông đất của các tổ chức, DN. Còn riêng trong hồ sơ Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) vừa trình thành phố thì diện tích đất đề nghị thu hồi lên tới hơn 8,1 triệu mét vuông. Ông nhận xét như thế nào về các con số vừa nêu?

- Điều đó cho thấy Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: Siết chặt công tác quản lý và xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm về đất đai. Mục đích là nhằm sử dụng đất đai có hiệu quả, tránh lãng phí.

Ảnh: Duy Quang

- Trong thời buổi “tấc đất - tấc vàng” như hiện nay, thực sự con số hơn 8,1 triệu mét vuông đất bị đề xuất thu hồi là rất ấn tượng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Là người trong cuộc, trực tiếp thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, ông có thể cho biết suy nghĩ của mình lúc này?

- Vâng! Có nhiều người coi đó là… thành tích của các cơ quan chức năng, trong đó có Sở TNMT, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Thực tế là rất buồn. Đó là những chuyện… cực chẳng đã, phải làm!

- Sao lại “cực chẳng đã”?

- Chúng ta hãy thử lật ngược vấn đề, nếu những dự án đó được triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, các cơ quan chức năng không phải lập hồ sơ đề nghị thu hồi đất thì Hà Nội sẽ có thêm nhiều công trình, do đó bộ mặt thành phố, đời sống của người dân, công ăn việc làm cho người lao động... có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Với các tổ chức, DN, họ chẳng thể vui được khi bị thu hồi đất. Chúng ta phải chia sẻ với họ. Có những vi phạm, sai phạm của các tổ chức, DN không phải do họ cố tình làm sai mà bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan…

- Mọi người lại không nghĩ như vậy. Hàng loạt dự án “treo” trong thời gian qua là một sự lãng phí cực kỳ lớn, đồng thời đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của hàng vạn hộ dân. Trong những khu vực được quy hoạch, hoặc có kế hoạch triển khai dự án, hàng chục năm người dân phải sống trong cảnh tạm bợ, nhà cửa không thể sửa sang mà cũng không thể di dời đi nơi khác. Lại có nghịch lý, nhà nông thì thiếu đất sản xuất, còn đất dành cho dự án lại bỏ không, cỏ mọc cao quá đầu người…

- Tôi thừa nhận thực tế đó. Ấy là điều không thể chấp nhận được. Chỉ đạo của Chính phủ, của thành phố, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng là nhằm giải quyết tình trạng này.

CÔNG KHAI, MINH BẠCH LÀ BIÊN PHÁP QUAN TRỌNG PHÒNG NGỪA VI PHẠM

- Thưa ông, tại kỳ họp thứ năm HĐND thành phố khóa XIV, một số đại biểu nêu nhận xét: Số tổ chức, DN đã bị xử lý, số dự án “treo”, diện tích đất để hoang hóa được thành phố thu hồi mới chỉ là “phần nổi” của “tảng băng chìm”. Ông suy nghĩ như thế nào về những ý kiến đó? Cũng xin được nêu thêm vài số liệu do Sở TNMT công bố, từ đầu năm tới nay đã phát hiện 118 dự án vi phạm Luật Đất đai, chậm hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; 508 dự án “quên” chưa làm thủ tục quản lý đất đai; 12 quận, huyện đang “nợ” báo cáo sử dụng đất…

- Xét về mặt hình thức, có thể nhiều người cho rằng, kết quả thanh tra, kiểm tra của chúng tôi chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Song, xét về mặt bản chất, có nhiều vấn đề không phải ai cũng hiểu thấu đáo. Đúng là có nhiều dự án đất để hoang rất lãng phí, nhưng việc thu hồi cũng phải tuân thủ những quy trình, thủ tục.

- Vâng, nói đến thu hồi đất của các dự án không thể không đề cập những khó khăn. Ông có thể cho biết sâu hơn về các vấn đề này khi thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra?

- Trước hết việc thu hồi đất của các dự án phải thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có những văn bản đưa ra các tiêu chí cụ thể của việc này; các chế tài, quy định về trình tự, thủ tục, phương pháp thu hồi đất, rồi trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đối với công việc này cũng chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất chung cho cả nước. Chỉ riêng Hà Nội, tháng 4-2009 UBND thành phố có ban hành Quyết định số 59/2009/QĐ-UB về trình tự, thủ tục và cơ chế thực hiện khi Nhà nước thu hồi đất đối với tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn…

- Ở trên ông có đề cập việc sai phạm của một số tổ chức, DN do những nguyên nhân khách quan. Cụ thể là thế nào?

- Từ đầu năm tới nay chúng tôi đã thanh tra, kiểm tra khoảng 40 dự án. Có những dự án chậm triển khai do phải điều chỉnh để phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng phê duyệt. Có những dự án DN không thể triển khai được khi thành phố chưa triển khai các dự án khác để xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực (dự án ngoài hàng rào), thậm chí đến đường vào cũng không có thì làm sao DN có điều kiện thực hiện dự án. Lại có những dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhưng đi sâu tìm hiểu được biết, ở đây không phải DN cố tình chây ỳ hoặc trốn tránh nghĩa vụ tài chính mà do làm ăn khó khăn nên chưa thể hoàn thành việc này dù đã có kế hoạch, phương án. Chúng ta phải thẩm định xem điều đó có khả thi chứ không nên dồn họ đến… chân tường, như vậy Nhà nước và DN đều thiệt hại.

- Đúng là có những chuyện chỉ cơ quan quản lý, DN, chủ đầu tư biết chứ người dân bình thường hay như bản thân tôi không thể nắm được. Tuy nhiên, vấn đề còn ở chỗ việc công khai, minh bạch của chúng ta thực hiện chưa tốt nên chưa tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát, đồng thời tạo nên những bức xúc trong xã hội về dự án A, dự án B…

- Điều đó rất chính xác. Tôi lấy ví dụ, theo quy định thì DN, chủ đầu tư dự án phải công khai thông tin dự án, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ở nhiều nơi, trong đó có địa điểm thực hiện dự án, nhưng rất nhiều DN, chủ đầu tư không thực hiện nên người dân không biết dự án đó là của ai, xây cái gì, chi tiết ra sao…

- Vậy kết quả công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức, DN trên địa bàn Hà Nội do Sở TNMT thực hiện có được công khai rộng rãi để người dân giám sát việc xử lý của các cơ quan chức năng đối với những đơn vị vi phạm?

- Sở TNMT đã và đang thực hiện như vậy. Chúng tôi cho rằng, đây là một trong những biện pháp có hiệu quả trong việc phòng ngừa, hạn chế sai phạm. Khi chúng ta công khai những đơn vị vi phạm, những đơn vị bị đề xuất thu hồi đất thì các tổ chức, DN khác cũng phải tự nhìn lại mình, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, điều chỉnh, sắp xếp các phương án sản xuất kinh doanh cho hợp lý để sử dụng đất có hiệu quả.

CẦN “PHâN VAI”, RÕ RÀNG TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VÀ CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG

- Thưa ông, như nhận định, đánh giá của thành phố, việc phối hợp giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương trong giám sát sử dụng đất của các dự án hiện nay còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa đạt yêu cầu, tình trạng DN chạy đua “xí phần” dự án, rồi “ôm đất” để hoang hóa vẫn diễn ra.

- Đúng là công tác quản lý của chúng ta chưa đạt yêu cầu. Nhưng điều đó cũng có những nguyên nhân của nó. Ví dụ như lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra của Sở TNMT chỉ có 20 người, trong khi địa bàn thành phố có tới 29 quận, huyện, thị xã. Và công việc của chúng tôi cũng không chỉ là thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất, còn phải thanh tra chuyên đề, thanh tra theo kế hoạch, giải quyết các khiếu nại tố cáo về đất đai, về tài nguyên môi trường… Tóm lại, lực lượng mỏng và thiếu như vậy thì cũng khó thu được hiệu quả cao trong công việc.

- Điều đó càng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và đặc biệt là chính quyền cơ sở. Tôi nghĩ, việc các tổ chức, DN, chủ đầu tư sử dụng đất không hiệu quả, xuất hiện các dự án treo, chính quyền cơ sở như xã, phường, quận, huyện không thể không biết?

- Kết quả công tác của chúng tôi có sự đóng góp lớn từ việc phát hiện của các địa phương. Tuy nhiên hiện nay chưa có sự ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với các dự án treo, các dự án sử dụng đất thiếu hiệu quả trên địa bàn. Điều đó liên quan tới tư duy, nhận thức của người lãnh đạo, năng lực, trình độ của những người làm công tác này ở cơ sở. Chất lượng báo cáo của các địa phương hiện nay rất khác nhau, mỗi nơi một kiểu, rồi báo cáo thiếu đầy đủ, báo cáo mỗi thời điểm một khác, chưa kể có những địa phương không báo cáo, anh em chúng tôi phải luôn “nhỏ nhẹ” nhắc nhở, đôn đốc.

- Vâng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc khi thành phố phát hiện ra các vi phạm pháp luật về đất đai thì thường là muộn, chậm. Vậy với vai trò tham mưu cho thành phố về công tác quản lý trong lĩnh vực này, Sở TNMT có đề xuất gì?

- Chúng tôi luôn thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình, không né tránh, đùn đẩy. Tuy nhiên tới đây, thành phố cần “phân vai” rõ ràng về trách nhiệm, đâu là việc của chính quyền cơ sở, đâu là việc của các sở, ngành. Thí dụ, với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng 12 tháng so với kế hoạch, trách nhiệm thuộc về Sở TNMT; các dự án chậm triển khai sau 24 tháng thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư; các dự án không thể triển khai do chưa được giao mặt bằng sạch, trách nhiệm thuộc Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng; Sở Tài chính chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các dự án…

- Như vậy khi xảy ra vi phạm có thể quy kết rõ trách nhiệm của ngành nào, cấp nào và từng cá nhân cụ thể. Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt để chấm dứt tình trạng thành tích là “của riêng”, còn trách nhiệm trong việc này, việc khác khi có vấn đề thì lại là “của chung”.

MỘT SỐ DIỆN TÍCH ĐẤT ĐƯỢC THU HỒI SẼ ĐƯỢC SỬ DỤNG CHO CÁC MỤC ĐÍCH CÔNG CỘNG

- Thưa ông, giả sử sẽ có hơn 8,1 triệu mét vuông đất được thu hồi theo đề xuất của Sở TNMT thì những công việc tiếp theo phải triển khai là gì?

- Trước hết cơ quan tài chính phải tính toán công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (tài sản trên đất) đối với những dự án vi phạm pháp luật về đất đai để giải quyết cho các tổ chức, DN, chủ đầu tư. Sau đó diện tích đất được thu hồi sẽ chuyển giao cho trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội để họ tính toán phương án sử dụng trình UBND thành phố quyết định phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch từng khu vực cụ thể.

- Hiện nay Hà Nội đang rất thiếu quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ lợi ích của cộng đồng như trường học, công viên, bệnh viện, bãi đỗ xe… Diện tích đất thu hồi có được sử dụng vào những việc này?

- Điều đó phụ thuộc vào việc có phù hợp với quy hoạch hay không. Ví dụ đất đai thu hồi tại vị trí này phù hợp với các công trình công cộng thì phải sử dụng vào mục đích công cộng. Trên thực tế, với diện tích đất của một số dự án bị thu hồi, thành phố đã chỉ đạo xây dựng nhà trẻ, trường học…

- Nhưng thưa ông, lại có ý kiến lo ngại thực hiện thu hồi đất đai của dự án này rồi chuyển cho chủ đầu tư khác. Như vậy sẽ lại có những cuộc “chạy đua” giành dự án?

- Tất cả đều có quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đất đai không phải là mớ rau mà tùy tiện giao cho DN này, tổ chức kia. Nếu phải chuyển giao cho một chủ đầu tư khác để tổ chức, kinh doanh sản xuất phù hợp với quy hoạch thì cũng phải tiến hành đấu thầu.

- Cảm ơn ông.

Lê Hoàng Anh