Đâu là giải pháp tối ưu?
Thể thao - Ngày đăng : 06:18, 26/08/2012
Có thể hiểu chuyện người trong cuộc muốn "đóng cửa bảo nhau", đánh giá những được - chưa được, quy trách nhiệm cá nhân, nhưng việc báo giới không thể dự họp để truyền tải đến bạn đọc các ý kiến đề xuất, giải pháp cho TTVN một cách kỹ lưỡng thực sự là điều đáng tiếc và không nên lặp lại.
Dù sao, qua những kênh thông tin khác nhau, Hànộimới cố gắng gửi đến bạn đọc điều mà họ quan tâm, rằng có cách nào để TTVN không phải tiếp tục chịu cảnh trắng tay, luôn trong thân phận "cửa dưới" ngay cả với những môn mà người Việt Nam có thể thi đấu tốt ở nhiều đấu trường thể thao lớn như Olympic, ASIAD…
Nỗi thất vọng của VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn sau khi thất bại ở nội dung sở trường tại Olympic 2012. |
"Quý hồ tinh bất quý hồ đa": Đúng, nhưng chưa đủ
Không lạ là sau chuyến du đấu trắng tay của TTVN tại Olympic London, rất nhiều chuyên gia nhấn mạnh chuyện phải đầu tư trọng điểm cho đấu trường Olympic. Suy cho cùng, ai cũng hiểu, đã làm thể thao đỉnh cao mà không đầu tư trọng điểm, đúng tầm thì rất khó có thành công. Nói "quý hồ tinh bất quý hồ đa" là vì thế.
Nhưng nói thế vẫn chưa đủ, là bởi phải căn cứ vào thực tế xuất phát điểm của TTVN và thực lực hiện tại của ta. Và, quan trọng hơn là xác định rõ giai đoạn nào sẽ thực hiện quy trình đầu tư tinh lọc ấy cho thực sự hiệu quả. TTVN nhiều năm qua dường như tồn tại hai xu hướng xây dựng chiến lược phát triển. Thứ nhất là "quý hồ tinh bất quý hồ đa", nên tập trung vào 4 môn được cho là "trọng điểm", như taekwondo, cử tạ, karate và vovinam; việc xác định tới 10 môn trọng điểm loại 1 và 22 môn trọng điểm loại 2 trong Chiến lược phát triển TDTT đến 2020 là đầu tư dàn trải, khó có hiệu quả. Xu hướng thứ hai có cái nền rộng hơn bởi TTVN đang ở giai đoạn "quân lực" còn rất mỏng, cần xây dựng lực lượng để bảo đảm sự phát triển bền vững. Các môn thể thao Olympic truyền thống, hoặc những môn phù hợp với người Việt Nam đều có quyền được đầu tư, hoặc chí ít cũng được tự đầu tư để tìm cơ hội ở SEA Games, ASIAD, rồi giành vé tham gia các kỳ Olympic, khi giành được vé rồi mới đầu tư tập trung hết mức có thể.
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Phó Chủ tịch kiêm TTK UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết: Nếu theo xu hướng 1, ngay từ đầu đã "khu trú" 4-5 môn, đầu tư trọng điểm cho một lượng nhỏ VĐV thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Việc đó không chỉ đi ngược tinh thần Hiến chương Olympic, mà còn khiến TTVN bị "teo tóp". "Khi đó, Đại hội TDTT toàn quốc sẽ tổ chức mấy môn? Các tỉnh, thành sẽ phát triển những môn nào? Thôi đầu tư những môn nào? Đoàn TTVN sẽ đến đấu trường SEA Games và ASIAD với cái cách "thi đấu xong xuôi, tất cả lại về ư?" - Ông Giang phân tích. "VĐV các môn đỉnh cao khác không được đầu tư sẽ bỏ tập, để lại khoảng trống lực lượng khó có thể san lấp".
Vả chăng, đã chắc gì đầu tư kiểu ấy sẽ mang lại huy chương Olympic bởi như thế là quá phụ thuộc vào một số hạt nhân, nếu lỡ VĐV xảy sự cố thì TTVN thậm chí sẽ thất bại ngay từ khi chưa vào cuộc.
Bài toán kinh phí
Tuân thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, tập trung đầu tư với mức độ khác nhau cho 10 môn ưu tiên nhóm 1 và 22 môn nhóm 2, theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, sắp tới Tổng cục sẽ đánh giá lại lực lượng VĐV, chọn những nội dung mũi nhọn có thể vươn lên tầm Châu Á và Olympic để đầu tư, trong đó chắc chắn có cử tạ, bắn súng, TDDC… Ngoài ra, phải có sự thay đổi trong việc xây dựng lực lượng. "Chúng ta xác định cử tạ có khả năng giành huy chương Olympic, vì vậy, ngoài hạng 56kg nam, ta có thể đầu tư cho hạng cân cao hơn" - ông Thắng cho biết.
Nhưng làm thế nào để xây dựng lực lượng có chiều sâu trong bối cảnh kinh phí được cấp rất ít?
Ở đây, cần lưu ý một điều, làm thể thao thành tích (TTTT) cao không chỉ là việc của Tổng cục TDTT. Ngoài kinh phí của Tổng cục, còn phải kể đến 2 khoản kinh phí rất lớn khác, gồm kinh phí địa phương và nguồn kinh phí xã hội hóa. Ông Hoàng Vĩnh Giang đánh giá: "Tính ra, nếu phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, ít ra cũng có được khoản kinh phí nhiều gấp 3 lần kinh phí mà Vụ TTTT cao có được, nếu không muốn nói là hơn". Do vậy, việc hoạch định chiến lược, kế hoạch chuẩn bị cho các đại hội, đào tạo VĐV… cần tính đến nguồn kinh phí "lớn gấp 3 lần" đó, chứ không phải gói kinh phí hiện tại. Một khi có sự bàn bạc, sự chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, của Tổng cục TDTT tới các đơn vị tỉnh, thành, ngành, lựa chọn môn đầu tư phù hợp với đặc điểm vùng miền, chọn môn và phân môn phù hợp với các tiêu chí đầu tư, kinh phí đầu tư cho các môn trọng điểm Olympic chắc chắn sẽ tập trung hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta sẽ có điều kiện mời chuyên gia cao cấp hơn, đi tập huấn được lâu hơn, có nhiều cơ hội nâng cao trình độ kỹ thuật, được áp dụng những phương pháp hồi phục hiện đại hơn…
Cần có cơ chế "kích cầu"
Muốn tận dụng nguồn lực xã hội để phát triển TTTT cao, rất cần có "cơ chế kích cầu", nói nôm na là để các địa phương thấy rõ lợi ích từ việc đầu tư cho TTTT cao. Vài năm trở lại đây, UB Olympic Việt Nam đã nhiều lần đề nghị cơ chế "lưu điểm", địa phương nào có VĐV vượt qua vòng loại Olympic, giành huy chương Olympic hoặc HCV ASIAD thì coi như có được số HCV nhất định tại Đại hội TDTT toàn quốc trong cùng chu kỳ. Cơ chế ấy, nghe thì tưởng "giời ơi đất hỡi" nhưng trong thực tế có thể giúp hạ nhiệt "bệnh thành tích" tại địa phương. "Cần có sự liên thông hấp dẫn giữa các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc với ASIAD và Olympic. Như thế mới có thể động viên tối đa sự đầu tư của các tỉnh, thành, ngành cho quốc gia, và cũng là cho cả địa phương mình theo đúng tiêu chí "ích nước, lợi nhà" - Phó Chủ tịch UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang nhấn mạnh.
Trao đổi với báo giới, Trưởng đoàn TTVN tại Olympic London 2012, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành thừa nhận: "Để chinh phục đấu trường Olympic, phải tận dụng mọi nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực, đặc biệt là nguồn thông tin về đối phương". Vì vậy, trước mắt cần nêu cao vai trò của các viện khoa học, các trung tâm y học thể thao, bệnh viện thể thao trong quy trình đào tạo VĐV thành tích cao, bởi đội ngũ cán bộ khoa học TDTT, y bác sĩ cao cấp tham gia quy trình huấn luyện còn rất thiếu. Thêm nữa, là trân trọng đón nhận sự vào cuộc của những chuyên gia thể thao giỏi nhằm có được sự tư vấn tốt nhất. Với yêu cầu tận dụng tối đa nguồn thông tin, cần tăng cường sự cập nhật thông tin giữa Tổng cục TDTT và UB Olympic Việt Nam - điều đã không được thực hiện tốt ở Olympic London 2012.
Và để không lặp lại tình trạng trắng tay như tại Olympic 2012, rất cần có Chương trình mục tiêu cho Olympic 2016 trong thời gian sớm nhất.