Cuộc khủng hoảng Syria: Trước hy vọng mới
Thế giới - Ngày đăng : 05:59, 26/08/2012
Ông L.Brahimi sẽ chính thức thay thế cựu Đặc phái viên Kofi Annan, từ ngày 1-9 tới, sau khi ông này quyết định từ chức vì bạo lực không ngừng leo thang sau 4 tháng nỗ lực tìm kiếm hòa bình không thành. Trong cuộc gặp đầu tiên tại New York (Mỹ), ngày 24-8, với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kể từ khi nhận nhiệm vụ mới, nhà ngoại giao kỳ cựu L.Brahimi cam kết đặt lợi ích của nhân dân Syria lên trên hết và sẽ dốc lòng để giúp người dân quốc gia Trung Đông này.
Thủ đô Damascus của Syria đã thành một chiến trường khốc liệt. |
Điều mà nhà ngoại giao - người từng giữ nhiều vị trí khác nhau tại Liên hợp quốc trong hai thập kỷ qua, trong đó có Trưởng Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), Chủ tịch một ủy ban độc lập về các hoạt động gìn giữ hòa bình - mong muốn là hoàn toàn có cơ sở. Đó là "phối hợp với tất cả các bên tại Syria và tất cả các nước" có thể gây ảnh hưởng tới tình hình tại quốc gia Trung Đông này và tạo điều kiện tổ chức một cuộc đối thoại nội bộ Syria. Ý tưởng này ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ của Nga, nước có nhiều ảnh hưởng với Damascus. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad cũng tỏ thái độ ủng hộ. Ngày 23-8, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Muqdad tuyên bố, nước này sẵn sàng hợp tác với ông L.Brahimi; đồng thời bày tỏ hy vọng nhà ngoại giao này sẽ giúp mở đường cho "cuộc đối thoại dân tộc". Song song với đó, một hy vọng mới cũng dấy lên khi ngày 24-8, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi cho biết vào tuần tới, Iran sẽ đệ trình lên Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) tổ chức ở Tehran một đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Ông A.Salehi khẳng định, đây là một đề xuất hợp lý và chấp nhận được gồm tất cả các bên và sẽ rất khó bị phản bác...
Vấn đề được dư luận trông đợi hiện nay là thái độ của phe đối lập tại Syria và các cường quốc phương Tây trước hy vọng vừa lóe sáng. Nhưng, giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh hiện nay - các cuộc giao tranh ác liệt vẫn diễn ra tại nhiều thành phố chiến lược của Syria - thì rất khó để có thể biến ý tưởng hòa bình của nhà ngoại giao Algeria thành hiện thực. Trong một diễn biến gây khó khăn cho Damascus, ngày 24-8, phát biểu trên kênh truyền hình France 24, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố, Paris sẽ xem xét ủng hộ thành lập vùng cấm bay trên một phần không phận Syria. Cùng ngày, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Mitt Romney loan báo, Washington sẽ triển khai quân đến Syria nếu cần thiết nhằm ngăn chặn sự phát tán vũ khí hóa học. Trước đó, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận thành lập một "lá chắn tình báo" gồm cả việc thu thập và trao đổi thông tin về các di chuyển và hoạt động của các thành viên đảng Công nhân người Kurd (PKK) và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda trên lãnh thổ Syria và các vùng lân cận...
Trong một diễn biến mới, sau 3 ngày oanh tạc dữ dội bằng đạn pháo và máy bay trực thăng, ngày 24-8, quân đội Syria với sự yểm trợ của xe tăng đã tiến vào trung tâm Daraya, một thị trấn ngoại ô phía Tây Nam thủ đô Damascus. Cùng ngày, các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy vẫn diễn ra ác liệt ở thành phố Aleppo, lớn thứ hai Syria... Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, riêng trong ngày 24-8, xung đột, bạo lực đã làm ít nhất 21 người, trong đó có nhiều phụ nữ thiệt mạng. Đến nay, kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống chế độ ở Syria (tháng 3-2011), đã có ít nhất 24.495 người thiệt mạng, trong đó có 17.281 dân thường và 6.163 binh sĩ...
Bất cứ một đề xuất nào với tình hình hiện nay tại Syria đều được dư luận tiến bộ trên thế giới ủng hộ và mong muốn của nhà ngoại giao L.Brahimi đã thể hiện điều đó. Tuy nhiên, thành công hay không trong cuộc hóa giải mới về cuộc xung đột hiện nay tại Syria thật không dễ dàng.