Tạo hiệu ứng tích cực cho các cấp ủy Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 25/08/2012
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do một số cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu chưa thật sự quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, nên nhiều vụ việc chưa giải quyết kịp thời. Không ít cấp ủy bị động trước vi phạm của các tổ chức Đảng, đảng viên... Ðặc biệt, cần chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức Ðảng, Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Gắn chặt kiểm tra, giám sát với công tác tư tưởng, công tác tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, gắn với vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Ông Nguyễn Đức Nhật (xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa): Mấu chốt vẫn là chất lượng cán bộ
Thực tế hiện nay không ít cán bộ, đảng viên làm việc không vì lợi ích của Nhà nước, nhân dân mà lo cho danh vọng bản thân, sự giàu sang phú quý của gia đình mình là chính. Đây cũng là bắt nguồn từ cơ chế, chính sách chưa chặt chẽ và do cán bộ thoái hóa, biến chất… Tôi tin lần này Trung ương đã có giải pháp cụ thể tích cực. Còn nếu cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm không xử lý nghiêm minh; những giám đốc doanh nghiệp để đơn vị mình thua lỗ trước đây hay cán bộ chủ chốt cấp huyện, tỉnh, thành có vi phạm, năng lực kém lại được điều động vào các cơ quan dân vận, mặt trận cấp trên... thì việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 sẽ rất khó đạt kết quả mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (giảng viên Học viện Hành chính tại TP Hồ Chí Minh): Người đứng đầu cấp ủy phải làm gương cho cấp dưới
Việc tự phê bình và phê bình nhằm mục đích chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm của bản thân và đồng chí mình để có cách sửa đổi, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Bởi vậy, phê bình và tự phê bình phải trên tinh thần thiện chí, xây dựng chứ không phải theo kiểu "bới lông, tìm vết", trù dập lẫn nhau. Người đứng đầu cấp ủy, đơn vị phải thực hiện tự phê bình nghiêm túc, thể hiện thái độ khách quan, tôn trọng tập thể, làm gương cho cấp dưới noi theo. Hơn nữa, khi triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, các cơ sở Đảng phải tránh làm kiểu hình thức, phong trào dẫn đến hiệu quả thấp, đôi khi phản tác dụng, gây mất lòng tin trong quần chúng nhân dân.
Bà Tạ Thị Chung (phường Mộ Lao, quận Hà Đông): Tăng cường các biện pháp bảo đảm tính khách quan
Cái khó là làm sao để cấp dưới sẵn sàng góp ý, phê bình cấp trên? Làm thế nào để tạo được bầu không khí chân thành, cởi mở trong các đơn vị này? Theo tôi, trước khi các tập thể, cá nhân thực hiện kiểm điểm, các đơn vị này có thể lập phiếu điều tra xã hội học (không cần để lại danh tính) để lấy ý kiến, nhận xét của những người đến làm việc với đơn vị đó về một số vấn đề: tác phong, thái độ làm việc… Tôi cho rằng đây là một nguồn thông tin đáng tham khảo để tăng tính khách quan, trách nhiệm khi mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện phê bình và tự phê bình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh): Tạo hiệu ứng tích cực cho các cấp ủy Đảng
Việc lãnh đạo cấp cao chủ động thực hiện trước, thẳng thắn góp ý cho nhau, tự phê bình chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho các cấp ủy, chính quyền, mỗi đảng viên và cả người dân. Khi các cấp ủy Đảng, mỗi đảng viên đều nghiêm túc thực hiện tự phê bình, phê bình để khắc phục, sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm sẽ giúp Đảng trong sạch, vững mạnh hơn, tăng thêm niềm tin, tín nhiệm trong nhân dân.