Cần có chính sách hỗ trợ hợp lý
Đời sống - Ngày đăng : 07:36, 24/08/2012
Chăm sóc đàn gà tại hộ gia đình ở huyện Đông Anh. Ảnh: Khánh Nguyên |
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, hiện tổng đàn lợn của TP khoảng 1,52 triệu con, giảm 1,58%; đàn gia cầm có khoảng 17,9 triệu con, tăng 4,1%; đàn bò có 198.440 con, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn bò sữa có 10.941 con, tăng 13,3% và sản lượng sữa tươi đạt 17.000 tấn, tăng 8,5%. Tuy đàn gia súc gia cầm ít biến động so với năm 2011 nhưng giá các loại sản phẩm chăn nuôi giảm rất mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ. Lợn thịt bán tại trại dao động trong khoảng 43.000 đồng/1kg, trong khi chi phí sản xuất của người chăn nuôi khoảng 44.000-46.000 đồng/1kg. Giá gà công nghiệp xuất chuồng hiện là 31.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất khoảng 30.000-32.500 đồng/kg. Người chăn nuôi gà đẻ trứng thua lỗ nhiều nhất, vào tháng 5, 6, 7 vừa qua, giá trứng giảm xuống còn 1.300 đồng/quả khiến người nuôi lỗ 200 đồng/quả.
Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Tạ Văn Tường cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tiếp tục là vấn đề "nóng" bởi nông dân thường xuyên bị thương lái ép giá. Sự chênh lệch giữa giá bán lẻ tại chợ và giá thu mua của thương lái tại cổng trại chênh lệch quá lớn, khoảng từ 40% đến 50% giá trị sản phẩm. Chưa kể người chăn nuôi còn phải đối mặt với rủi ro bởi dịch bệnh luôn rình rập đàn gia súc, gia cầm. Anh Ngô Văn Mạnh ở Thanh Oai cho biết, nhiều trang trại chăn nuôi đang cố gắng cầm cự, hy vọng từ nay đến cuối năm khi nhu cầu thịt lợn, gia cầm tăng cao, sẽ có sự điều chỉnh giá và cải thiện tình hình. Anh Mạnh cho rằng, Nhà nước cần tính toán một cách khoa học việc nhập khẩu thực phẩm, nếu tiếp tục cho phép nhập khẩu thịt ồ ạt sẽ làm cho người chăn nuôi trong nước khốn đốn!
Để giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất, Trung tâm Phát triển chăn nuôi vừa đề xuất UBND TP Hà Nội thực hiện gói hỗ trợ vốn vay ưu đãi khoảng 54 tỷ đồng. Giám đốc Tạ Văn Tường cho rằng, với gói hỗ trợ vốn này các hộ dân có thể duy trì hoạt động sản xuất tiếp sức cho ngành chăn nuôi Thủ đô trong điều kiện khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng: Để kịp thời bình ổn giá thực phẩm góp phần ổn định đời sống nhân dân và duy trì, phát triển chăn nuôi một cách bền vững, Nhà nước cần bổ sung các quy định như yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đã qua sơ chế, đóng gói phải có nhãn mác và hồ sơ chứng minh xuất xứ nguồn gốc sản phẩm để buộc các thương lái và người giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phải hợp tác với người chăn nuôi. Để tự cứu mình và phát triển, người chăn nuôi cần liên kết lại thành tổ sản xuất hay HTX để thuận lợi cho việc mua nguyên liệu đầu vào với giá rẻ và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời Nhà nước cần có chính sách hạn chế việc tăng giá của thức ăn chăn nuôi...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt: Bảo đảm phục hồi phát triển chăn nuôi những tháng cuối năm Thời gian qua ngành chăn nuôi TP thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, vì vậy để duy trì chăn nuôi, bảo đảm ổn định đời sống của người chăn nuôi, Sở NN&PTNT cần khẩn trương khảo sát, đánh giá những nguyên nhân, khó khăn, tồn tại trong phát triển của ngành này. Từ đó tham mưu, đề xuất cụ thể với UBND TP những giải pháp thiết thực bảo đảm việc phục hồi, phát triển chăn nuôi những tháng cuối năm 2012. Cương quyết không để xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm gây ảnh hưởng chung đến đời sống của người dân. Trong cơ chế chính sách hỗ trợ, các ngành cần đặc biệt quan tâm tới việc phục hồi đàn vật nuôi, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi, hộ gia đình giãn nợ cũ và vay mới ở các ngân hàng để có vốn tiếp tục sản xuất... |