Quan hệ Iran-Ai Cập: Bình minh ló rạng

Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 24/08/2012

(HNM) - Iran và Ai Cập đang tiến tới khôi phục quan hệ ngoại giao sau một thời gian dài bị gián đoạn. Sự kiện thông tấn bất ngờ sau hơn 30 năm chờ đợi được cả Cairo và Tehran xác nhận không chỉ tạo ra một làn gió mới đầy hứng khởi, mà còn hứa hẹn một nền hòa bình thịnh vượng ở khu vực đang nóng bỏng này.


Quan hệ nồng ấm giữa Iran và Ai Cập đang là chủ đề nổi bật của báo chí.

Ngày 21-8, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi cho biết, Tehran mong muốn thiết lập quan hệ "hữu nghị, anh em" với Cairo và việc khôi phục hiện "chỉ còn đợi các thủ tục mang tính nghi thức". Trước đó, Văn phòng Tổng thống Ai Cập thông báo cho biết, Tổng thống Mohamed Morsi sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 30 của Phong trào Không liên kết (NAM) diễn ra tại Tehran vào cuối tháng này. Tại hội nghị, dự kiến Iran sẽ chuyển giao cho Ai Cập chức Chủ tịch NAM nhiệm kỳ tới. Việc hai quốc gia có vị thế quan trọng trong thế giới Arab và các nước Hồi giáo xích lại gần nhau đã làm dấy lên hy vọng trong cộng đồng quốc tế về sự ổn định chính trị khu vực sau vô vàn sóng gió.

Năm 1980, Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ai Cập để phản đối việc nước này và Israel ký Hiệp ước hòa bình một năm trước đó. Trong suốt thời gian dài, chính phủ tiền nhiệm của Ai Cập coi Iran là "một nhân tố gây bất ổn tại Trung Đông". Tuy nhiên, sau cuộc nổi dậy vừa qua với việc Tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền tại xứ Kim tự tháp, tất cả đã thay đổi. Chủ trương thúc đẩy quan hệ với Iran đã được ông M.Morsi đề cập lần đầu tiên vào ngày 24-6, chỉ vài giờ trước khi đắc cử tổng thống với lập luận Ai Cập quan hệ với Iran sẽ tạo thế cân bằng chiến lược trong khu vực. Trong khi đó, Tehran luôn kiên trì theo đuổi việc nối lại quan hệ ngoại giao toàn diện với "quốc gia anh em" này. Các nỗ lực được đặc biệt chú trọng khi nhóm Anh em Hồi giáo được hợp pháp hóa tại Ai Cập với chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Quốc hội nước này - gồm cả Thượng và Hạ viện - vào tháng 1-2012. Tehran hứa hẹn, ngay sau khi nối lại quan hệ ngoại giao, "Iran sẽ lập tức hỗ trợ kinh tế cho Ai Cập" vượt qua những khó khăn sau khủng hoảng.

Thế nhưng, sự nồng ấm này trong thế giới Hồi giáo đã khiến phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Israel, lo ngại.

Phản ứng về Hội nghị cấp cao NAM sẽ diễn ra ngày 30 và 31-8, tại Tehran, Washington cho rằng, đây là một "dấu hiệu bất thường". Trong khi đó, với Tel Aviv, cái "bắt tay" giữa Cairo và Tehran được cho là nhân tố bất lợi làm thay đổi tương quan "lực lượng" đối ngoại với Iran. Bởi lâu nay, trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad luôn xem Tel Aviv, một đồng minh gần gũi của Mỹ tại Trung Đông, là mối đe dọa với an ninh của quốc gia Hồi giáo này. Vì vậy, không quá khó hiểu khi Tehran và Cairo bình thường hóa quan hệ sẽ buộc Israel phải có những "nước đi" mới. Nhưng, có vẻ như bất lợi đang nghiêng về Tel Aviv khi quan hệ Israel - Ai Cập hiện nay không hoàn toàn thuận lợi. Sóng gió đã nổi lên giữa hai bên do những căng thẳng tại bán đảo Sinai, sau vụ 16 lính biên phòng Ai Cập trên biên giới với Isral thiệt mạng ngày 5-8 vừa qua. Cairo đã triển khai thêm quân đến khu vực này mà không hợp tác với Tel Aviv. Ngày 20-8, lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc chiến năm 1973 với Israel, Ai Cập sử dụng máy bay chiến đấu và xe tăng tại Sinai để trấn áp phiến quân ở khu vực biên giới. Lo ngại tình hình có thể leo thang, ngày 21-8, Mỹ đã có phản ứng khi Washington một mặt khẳng định ủng hộ các biện pháp triển khai quân sự của Ai Cập đến Sinai nhưng mặt khác cũng yêu cầu Cairo phải phối hợp với Israel về những hành động tương tự và tuân thủ Hiệp ước hòa bình năm 1979 giữa hai bên... Bất đồng về sự hiện diện quân sự tại Sinai giữa hai bên chưa có dấu hiệu lắng dịu đang là nhân tố gây hoài nghi về mối quan hệ Israel - Ai Cập vào thời điểm này.

Trong bối cảnh như vậy, quan hệ Ai Cập - Iran như một bình minh mới vừa ló rạng được cho là sẽ ít gặp trở ngại. Đây là dấu hiệu tích cực không chỉ với thế giới Arab mà còn với cả cộng đồng quốc tế, nhất là khi khu vực này đã và đang chịu nhiều tác động do một loạt cuộc khủng hoảng leo thang và lan rộng.

Trung Hiếu