Nhanh chóng rà soát lực lượng hậu bị
Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 24/08/2012
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tai Olympic London 2012 Lâm Quang Thành.
- Ông có thể cho biết nội dung đánh giá của các thành viên cuộc họp về quá trình chuẩn bị và thi đấu của đoàn TTVN tại Olympic London?
- Cuộc họp có sự góp mặt của hầu hết các nhà quản lý và chuyên môn có liên quan. Chúng tôi đánh giá rằng, có điểm thành công, có điểm thất bại, nhưng không vì có điểm thất bại mà phủ nhận những bước tiến đáng ghi nhận. Chúng ta phải xác định rõ xuất phát điểm của TTVN, xây dựng đề án khắc phục. Tuy nhiên, phải thừa nhận là tại Olympic London 2012, về quản lý đôi lúc chúng ta vẫn còn rất lý thuyết, duy ý chí, hời hợt, quản lý chưa chặt chẽ và thiếu chuyên nghiệp.
Ông nhìn nhận thế nào về quá trình đầu tư cho Olympic của TTVN?
- Chúng ta đã đầu tư hết khả năng ta có. Nói riêng về 4 môn được xác định là có khả năng giành huy chương, gồm cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ và taekwondo, có thể thấy cử tạ không đạt huy chương là có sai sót trong quá trình thi đấu, bắt đầu từ khâu khởi động. Môn bắn súng, việc Hoàng Xuân Vinh xếp hạng 4 thế giới là một thành tích xuất sắc, qua đó khẳng định bắn súng Việt Nam có khả năng giành huy chương Olympic, cần tiếp tục đầu tư. Môn taekwondo, chúng ta chuẩn bị với sự hỗ trợ của Hàn Quốc, tuy nhiên VĐV chưa đủ kinh nghiệm nên bị “vỡ trận”, thua nặng. Với TDDC thì có nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là về tâm lý nên các VĐV chưa thi đấu đúng khả năng…
- Dẫu sao, cần xác định rõ rằng để chinh phục đấu trường Olympic thì cần đầu tư có trọng điểm, dài hạn…
- Đúng, nhưng còn phải kể thêm cả việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là tận dụng mọi nguồn lực. Nguồn lực ở đây bao gồm nhân lực, là phải có người giỏi; tài lực là đầu tư về tài chính; vật lực là cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại… Điều ta đặc biệt thiếu là nguồn thông tin về đối phương. Đó là bài học, là cơ sở để TTVN quy hoạch lại các trung tâm thể thao trọng điểm, xây dựng quy định về giám định khoa học đối với công tác huấn luyện. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị khoa học quốc tế về tầm nhìn Olympic. Phải huy động nhiều nguồn lực thì mới có thể thực hiện tốt chiến lược phát triển TDTT. Mà phải bắt tay thực hiện ngay.
- Từ bài học kinh nghiệm ấy, ngành TDTT có phương án nào cho Olympic 2016?
- Phải chọn môn phù hợp với đặc điểm con người Việt Nam, điều kiện kinh tế… Các phương án không chỉ hướng đến Olympic 2016, mà phải hướng đến năm 2020. Khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học vào hoạch định chiến lược đầu tư.
- Chúng ta xác định trọng điểm đầu tư cho VĐV như thế nào, thưa ông?
- Muốn xác định rõ vấn đề này, ta phải rà soát lực lượng. Phải rà soát lực lượng hậu bị.
- Lúc này, ông có thể nghĩ gì về Olympic 2016?
- Nếu duy ý chí thì có thể nói chúng ta phấn đấu có HCV. Nhưng kỳ Olympic 2012 cho thấy ta còn thiếu điều kiện. Nếu khắc phục được khó khăn, có điều kiện tốt hơn và nỗ lực hết mức thì mới có thể có huy chương được.
- Xin cảm ơn ông!