Trách nhiệm không thể là quả bóng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:23, 24/08/2012
Theo Bộ LĐ-TB&XH, lao động nước ngoài đến Việt Nam từ hơn 60 quốc gia, trong đó mang quốc tịch Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...) khoảng 58%, quốc tịch Châu Âu (Anh, Pháp...) khoảng 28,5%... Vào thời điểm tháng 7-2012, lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam là 77.087 người, trong đó, được cấp giấy phép là 49.983 người (67,15%), chưa được cấp giấy phép lao động là 24.455 người (32,85%)... Tình trạng lao động người nước ngoài làm việc không phép tại Việt Nam đã thật sự trở thành vấn đề "nóng" với nhiều quan ngại.
Có một thực tế là lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu của đối tác với đủ loại giấy tờ, chứng nhận, khi chuyển sang làm việc cho chủ sử dụng khác, cũng phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý nước sở tại. Nói chung, ở đâu, làm gì, người lao động Việt Nam đều chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý của nước sở tại. Trong khi đó, việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam lại vô cùng lỏng lẻo. Vụ phòng khám Maria là một ví dụ, khi có vi phạm, lao động nước ngoài rời Việt Nam mà không phải chịu bất cứ sự truy cứu trách nhiệm nào.
Những vấn đề tiêu cực liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Việt Nam đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng việc quản lý chưa được quan tâm đúng mức. Các văn bản pháp luật quy định về quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn nhiều bất cập. Không ít lao động nước ngoài thông qua doanh nghiệp Việt Nam xin thị thực nhập cảnh với mục đích thương mại, hết thời hạn tạm trú, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở các địa phương không gia hạn họ lại xuất cảnh, sau đó xin lại thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Việc tuyển dụng lao động người nước ngoài cũng rất đơn giản. Chủ sử dụng lao động chỉ cần đăng thông báo tuyển dụng trên một số phương tiện truyền thông và sau đó tự kết luận không tìm được người đúng như nhu cầu và "buộc" phải sử dụng lao động nước ngoài. Thế là không ít lao động phổ thông ngoại quốc được hô "biến" để trở thành các chuyên gia…
Trong khi đó, chế tài xử lý, xử phạt chưa đủ sức răn đe buộc người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành. Chúng ta cũng chưa có những biện pháp xử lý triệt để đối với các doanh nghiệp, nhà thầu hay cá nhân lao động nước ngoài cố tình vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng "nhờn" luật.
Thêm nữa, mặc dù đã có quy định: Không chỉ Bộ LĐ-TB&XH, các bộ Công thương, Y tế, Quốc phòng, Công an và cả các địa phương… ít nhiều đều có trách nhiệm trong việc quản lý lao động người nước ngoài. Thế nhưng, việc tổ chức thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực này còn không ít hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Và sự giám sát đối với người nước ngoài vào Việt Nam làm việc gần như bị buông lỏng. Do vậy, khi hỏi cơ quan quản lý rằng lao động nước ngoài đang làm gì, đi đâu, có hợp pháp không… rất khó tìm được câu trả lời chính xác. Có thể nói việc quản lý thiếu đồng bộ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng lao động nước ngoài làm việc không phép ở Việt Nam gia tăng
Trong một thế giới "phẳng", lao động nước này sang nước khác làm việc là chuyện bình thường và xu thế này tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Do vậy, rất cần có các biện pháp khắc phục bất cập trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là hoàn thiện các quy định pháp lý. Việc quản lý lao động nước ngoài cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có trách nhiệm liên quan cả trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Và vấn đề trách nhiệm trong lĩnh vực này không thể như quả bóng để đá đi đá lại giữa các bộ, ngành.