Mua bán, sáp nhập ngân hàng: Giải pháp “vàng” để phát triển?

Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 23/08/2012

(HNM) - Nếu những năm trước, việc mua bán, sáp nhập ngân hàng (NH) vẫn còn là khái niệm khá mới, thì đến nay người ta đã quen với khái niệm này. Sau sự thành công của việc sáp nhập NHTMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), hệ thống NH đã có thêm mấy cuộc sáp nhập...

Trước khi những thương vụ sáp nhập lớn được diễn ra, trong lĩnh vực NH có một số vụ mua, bán cổ phần đáng chú ý như NHTMCP Công thương (VietinBank) bán 10% cổ phần cho Công ty Tài chính quốc tế (IFC), NHTMCP An Bình (ABBank) bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC và Maybank (Malaysia), NH Phát triển Mê Kong (MDB) bán 15% cổ phần cho đơn vị đầu tư thuộc Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) và NHTMCP Quốc tế (VIB) bán 5% cổ phần cho Commonwealth Bank (Australia)... Tuy nhiên, vào thời điểm đó, rất ít người quan tâm đến chuyện sáp nhập của các NH. Nhưng, sau thời gian dài hệ thống NH bị "chao đảo" bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cộng với việc nhiều NH mới được thành lập với số vốn quá nhỏ, sáp nhập NH được coi là một xu thế tất yếu. Ngay cả với những thương hiệu đã có "chỗ đứng" trong nền kinh tế, sáp nhập là cách giúp NH mạnh hơn.

LienVietBank là đơn vị tiên phong trong việc mua bán, sáp nhập ngân hàng. 
Ảnh: Linh Tâm

Thương vụ sáp nhập đầu tiên trong hệ thống NH thu hút được nhiều sự quan tâm là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPOST) góp vốn vào NHTMCP Liên Việt (LienVietBank) với việc sáp nhập Công ty Dịch vụ Tiết kiệm bưu điện (VPSC) và LienVietBank. Sau khi hoàn tất việc sáp nhập, LienVietBank có tên gọi mới là NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LPB), với vốn điều lệ tăng từ 5.650 tỷ đồng lên 6.010 tỷ đồng. Hệ thống giao dịch của LPB cũng được mở rộng thêm vì LPB có thể sử dụng hơn 10.000 điểm giao dịch trên toàn quốc mà VPSC đã có trước đó. Tuy nhiên, khi VPSC hợp nhất với LienVietBank đã xảy ra tình trạng nhiều người xếp hàng ở các điểm giao dịch của hệ thống tiết kiệm bưu điện để rút tiền vì hiểu nhầm đơn vị này bị giải thể. Song, NH này đã kịp thời lên tiếng khẳng định bảo đảm quyền lợi của những người gửi tiền, nên tình trạng người dân đến rút tiền chấm dứt.

Trong hệ thống NH, ba NH là TMCP Đệ Nhất (Ficombank), TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), TMCP Sài Gòn (SCB) đã "tiên phong" trong việc sáp nhập. Lý do hợp nhất 3 NH này được đưa ra là do các NH gặp khó khăn về thanh khoản, mà chủ yếu do dùng nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, có thời điểm 3 NH mất khả năng thanh toán tạm thời. Nhưng, rút kinh nghiệm từ bài học của LPB trước đó, 3 NH sáp nhập khẳng định quyền lợi của người gửi tiền không bị mất đi, bởi NH mới sau sáp nhập sẽ được Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV) tham gia với tư cách đại diện vốn nhà nước. Gần đây nhất là đầu tháng 8-2012, SHB công bố hoàn tất thương vụ HBB sáp nhập vào SHB đánh dấu trường hợp đầu tiên sáp nhập giữa 2 NH. Đây cũng là 2 NH đầu tiên cùng niêm yết trên thị trường chứng khoán sáp nhập thành công. Như vậy, sau gần một năm đánh giá, giải quyết các thủ tục, SHB đã hoàn thành việc này. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa, cái tên HBB sẽ không còn tồn tại trong hệ thống NH, cũng như trên thị trường chứng khoán. Thu nhận thêm HBB, SHB trở thành một định chế tài chính có quy mô lớn, với số vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 120.000 tỷ đồng, mạng lưới kinh doanh gồm 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh SHB tại Campuchia, Lào, cùng gần 5.000 cán bộ, nhân viên. Mặc dù HBB có số nợ xấu lên đến hàng nghìn tỷ đồng, song lãnh đạo của SHB không quá lo ngại vì khoản nợ này, mà còn khẳng định đến cuối năm nay SHB sẽ xử lý được nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn xuống thấp hơn.

Sau sự thành công của những thương vụ sáp nhập trên, nhiều người kỳ vọng sẽ có nhiều hơn việc các NH nhỏ hợp nhất để hệ thống NH phát triển mạnh và bền vững hơn. NH nhỏ sẽ không phải dùng đến những chiêu "lách" quy định của Ngân hàng Nhà nước gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Xu thế sáp nhập để phát triển nguồn lực, cũng như có thêm kinh nghiệm sẽ là tất yếu và mua bán, sáp nhập sẽ là giải pháp "vàng" cho những đơn vị muốn phát triển.

Đức Anh