Tuần văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 18:45, 22/08/2012
(HNMO)- Từ ngày 28/8 - 2/9, tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (sô 02, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) sẽ diễn ra “Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II – 2012” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, tổ chức với sự tham dự của các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và UBND thành phố Hà Nội. Đây là hoạt động văn hóa được tổ chức nhân dịp Chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và Ngày truyền thống của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ VH,TT&DL (28/8).
Với chủ đề chung “Tây Nguyên – Truyền thống và phát triển”, Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II – 2012 là chương trình được tổ chức với quy mô lớn về Văn hoá - Con người - Sự kiện của vùng đất Tây Nguyên nhằm giới thiệu những giá trị văn hoá, sức sống mãnh liệt, sự trường tồn của bản sắc Tây Nguyên trong nền văn hoá dân tộc Việt Nam. Tôn vinh các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của các dân tộc Tây Nguyên, khai thác và phát triển kinh tế, du lịch trên nền tảng văn hoá truyền thống. Đồng thời động viên, khích lệ nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, phát triển kinh tế, xã hội; xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên trong lịch sử cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời thông qua bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên thể hiện tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Thủ đô với các dân tộc Tây Nguyên trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên thông qua hình ảnh, sưu tập hiện vật của các tộc người như: trang phục truyền thống, trống da voi, cồng chiêng, công cụ lao động sản xuất, các loại nhạc cụ, các hiện vật liên quan đến nghi lễ đời người…giúp người xem có cái nhìn toàn cảnh về văn hóa điển hình của các tộc người vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.
Tại không gian trưng bày này sẽ giới thiệu cồng chiêng – kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại và được coi là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người Tây Nguyên; Tái hiện không gian Lễ hội đâm trâu mừng lúa mới của dân tộc Ba Na; Các nhạc cụ truyền thống tiêu biểu như: trống làng Tây Nguyên, đàn đá, đàn Tơrưng, đàn chapi, đinh pút…Công cụ lao động sản xuất và các vật dùng trong ăn, uống; Giới thiệu Chóe rượu Tây Nguyên – được coi là nơi chất chứa những tâm tình, là nơi con người gửi gắm lời thỉnh cầu về một cuộc sống no ấm đến các vị thần linh; Phản ánh quan niệm hôn nhân, gia đình của các tộc người Tây Nguyên qua việc tái hiện lễ trao vòng cầu hôn của người Ê Đê; hay phản ánh tôn giáo tín ngưỡng qua không gian trưng bày khu nhà mồ, hiện vật về sinh đẻ, lễ thổi tai…( Triển lãm do Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam thực hiện).
Với chủ đề “Tây Nguyên hội nhập và phát triển”, triển lãm được trưng bày với sự phối hợp của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Binh đoàn 15, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Viện nghiên cứu văn hóa, các nhà sưu tập, họa sỹ, nhiếp ảnh gia của 3 miền đất nước yêu mến Tây Nguyên. Qua đó thể hiện tình cảm yêu mến của Bác Hồ với dân tộc Tây Nguyên cùng sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với đồng bào Tây Nguyên trong quá trình đổi mới.
Binh đoàn 15 sẽ trưng bày, giới thiệu những hoạt động và thành tựu của Binh đoàn với tiêu chí “Phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước”.
Triển lãm “Tranh, tượng về Tây Nguyên” sẽ trưng bày các tác phẩm về Tây Nguyên của các nhà điêu khắc, họa sỹ nổi tiếng như: “Bác Hồ với Tây Nguyên” của họa sỹ Xu Man, “Lớp học văn hóa dân tộc” của họa sỹ Hà Xuân Phong, “Cha và hai con” của họa sỹ Hồ Uông…
Triển lãm “Sử thi Tây Nguyên”: trưng bày hơn 100 tác phẩm của kho tàng sử thi Tây Nguyên của các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Ra Glai, Xê Đăng…đã được sưu tầm, giữ gìn và đang được truyền dạy cho thế hệ trẻ Tây Nguyên.
Triển lãm “Cổ vật Tây Nguyên” trưng bày 150 hiện vật cổ do Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam cung cấp như: nhạc cụ, đồ trang sức, trang phục…của người Tây Nguyên. Triển lãm tranh “Sắc màu Tây Nguyên” trưng bày hơn 30 tác phẩm tranh sơn mài như: “Lễ Pơ thi” “Thiếu nữ Tây Nguyên”, “Miền nắng gió”, “Giã gạo”…
Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên tự tình” với gần 100 tác phẩm về vùng đất và con người Tây Nguyên. Các bộ sưu tập cá nhân “Hiện vật Tây Nguyên” giới thiệu những công cụ lao động, săn bắt, nhạc cụ, đồ đựng, đồ đun nấu, trang sức, thổ cẩm…cùng các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Tây Nguyên.
Ngoài ra, khu vực trưng bày riêng của các tỉnh: Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng sẽ trưng bày những nét đặc sắc về văn hoá truyền thống, các thế mạnh của tỉnh về tài nguyên, tiềm lực về kinh tế trên các lĩnh vực nông lâm công nghiệp, thương mại, du lịch... Các bức tranh văn hóa đa dạng, đặc sắc của các dân tộc bản địa Kon Tum thông qua hình ảnh, sưu tập hiện vật: công cụ sản xuất (cuốc cỏ, rựu, rìu, giỏ, gùi, gậy chọc lỗ, liềm, teo suốt lúa…), công cụ săn bắn và đánh bắt (ná, lao. Mác, chông, đó, đơm cá…), đồ dùng sinh hoạt, trang phục, trang sức…
Cũng nằm trong khuôn khổ chương trình “Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” sẽ diễn ra nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, lễ hội cộng đồng với chủ đề Tây Nguyên mở hội, tọa đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên”...
Lễ khai mạc chương trình với chủ đề “Tây Nguyên – Những sắc màu văn hóa” sẽ diễn ra vào tối 28/8, là chương trình tổng thể giới thiệu đặc trưng văn hóa Tây Nguyên như: hòa tấu cồng chiêng, diễn tấu Drông tuê (mời rượu đón khách), hòa tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn trang phục các dân tộc Tây Nguyên, vòng Xoang đoàn kết…Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 + VTV5, Đài Truyền hình Việt Nam.