Rau, quả an toàn cần "đầu ra" an toàn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 22/08/2012

(HNM) - Trước thực trạng khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, một số hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh nông sản có giấy chứng nhận sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP) đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, hoạt động chật vật và chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Sản phẩm an toàn vẫn bí đầu ra

Chủ nhiệm HTX rau quả an toàn Cự Khối Lê Văn An cho biết: Cách đây 7-8 năm, vùng đất bãi Cự Khối chỉ trồng ngô, rau, đậu, cà... Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh vùng đất bãi ven đô, một số hộ dân trong phường đã mạnh dạn đưa cây ổi găng vào trồng, hợp chất đất nên chỉ sau thời gian ngắn, ổi găng đã phát triển mạnh. Từ vài chục cây đưa về trồng những năm 2003-2004, đến nay cả vùng đất bãi Cự Khối rộng 180ha phủ kín các loại cây ăn quả, rau màu, riêng ổi găng chiếm tới 120ha, được cơ quan chức năng chứng nhận vùng sản xuất rau quả an toàn.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Nam Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Khánh Nguyên


Nông dân Đào Việt Cường, tổ dân phố số 7 phường Cự Khối khẳng định: Việc sản xuất theo quy trình VietGap ở đây không phải khó vì họ đã được tập huấn tốt về IPM. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm thực sự rất khó khăn. Hiện sản lượng ổi găng toàn phường ước đạt khoảng 3.000 tấn/năm nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp Cự Khối mới ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với số lượng khoảng 20-30%, còn lại do nông dân tự tiêu. Hiện giá ổi tại vườn bán cho thương lái từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg.

Nằm ven sông Đáy, thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, Hoài Đức) được thiên nhiên ưu đãi cho dải đất phù sa màu mỡ, thích hợp với việc canh tác rau màu. Ngay từ năm 2007, huyện Hoài Đức phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương thực hiện dự án sản xuất RAT, triển khai tại một số xã trên địa bàn huyện. Hệ thống giếng khoan quy mô gồm 18 chiếc được đầu tư xây dựng. Viện Nghiên cứu rau quả trung ương còn cử 2 kỹ sư về trực tiếp theo dõi và tư vấn kỹ thuật cho bà con. Song từ khi triển khai dự án đến nay, hầu như vụ thu hoạch nào, sản phẩm RAT Tiền Lệ vẫn chỉ tiêu thụ tại các chợ đầu mối là chính, HTX mới chỉ tiêu thụ được khoảng 20-30% sản phẩm cho xã viên thông qua các bếp ăn tập thể, siêu thị…

HTX phải là hạt nhân xúc tiến thương mại

Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An cho rằng, nhận thức của nông dân về sản xuất an toàn trong giai đoạn hiện nay đã tốt hơn. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn cao gấp nhiều lần sản xuất theo phương pháp thông thường đã đẩy giá bán lên cao khiến vấn đề tiêu thụ sản phẩm trở nên nan giải. Có một số trang trại, nhà vườn đã nỗ lực để đạt được chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP nhưng đầu ra sản phẩm bấp bênh, giá thu mua không ổn định nên sau một vài năm đã không còn mặn mà với GAP. Các HTX nông sản mặc dù đã có nhiều cố gắng, song mới dừng lại ở mức cung ứng các dịch vụ cơ bản như: tưới tiêu, bảo vệ đồng điền, chuyển giao KHKT, còn lo đầu ra cho nông dân thực sự đang là một thách thức lớn.

Hiện TP Hà Nội có khoảng trên 100 HTX rau, quả an toàn rải rác ở khắp các quận, huyện. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% HTX làm tốt việc tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, bảo đảm lợi nhuận cao, số còn lại làm ăn chưa hiệu quả. Ông An cho rằng, vai trò thương mại của các tổ chức kinh tế tập thể còn khá mờ nhạt. Để đổi mới cách làm việc của các tổ chức này, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, cần phải xem xét lại vai trò của HTX trong quá trình hoạt động.

Qua thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn TP cho thấy, nơi nào giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm sạch, an toàn thì nơi đó người nông dân mới tích cực tham gia HTX và các trang trại, nhà vườn mới hoạt động, sản xuất kinh doanh hiệu quả. Việc tìm đầu ra cho các vùng quả an toàn cần phải được quan tâm song hành với việc mở rộng diện tích các loại nông sản đã nhận chứng chỉ GAP, hình thành các vùng chuyên canh lớn mới cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó là tăng cường thông tin quảng bá sản phẩm, hỗ trợ đăng ký bảo hộ xuất xứ hàng hóa và nhãn hiệu tập thể để giúp các HTX và cơ sở sản xuất đưa sản phẩm chất lượng cao ra thị trường trong và ngoài nước. Mạng lưới các HTX rau, quả an toàn chính là hạt nhân xúc tiến tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Sơn Tùng