Con lại về bên mẹ, mẹ ơi!

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:11, 21/08/2012

(HNM) - Cách đây 42 năm, vào giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, có một thanh niên học sinh ở một vùng quê nghèo xứ Thanh đã giấu gia đình, viết đơn bằng máu tình nguyện ra mặt trận, dù có anh trai đang ở chiến trường.

Vì thiếu cân, Nguyễn Như Sơn đã lấy đá bỏ vào quần để được trúng tuyển. Sau gần một năm trời hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, vượt dãy Trường Sơn, đơn vị D8, E209, F7 đã có mặt tại chiến trường miền Đông Nam bộ. Ở chiến trường, Nguyễn Như Sơn đã cùng đồng đội dựng lên một chốt thép kiên cường suốt 150 ngày đêm trong chiến dịch Nguyễn Huệ trên lộ 13, Tàu Ô, xóm Ruộng, nay thuộc huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước.


Liệt sĩ Nguyễn Như Sơn.



Ngược dòng thời gian, cách đây tròn 40 năm - 1972, chiến dịch Nguyễn Huệ rung chuyển miền Đông. Ngụy quyền Sài Gòn bám giữ Lộc Ninh, Bình Long, An Lộc… tập trung lực lượng gồm 3 sư đoàn bộ binh, 2 trung đoàn thiết giáp và lực lượng tổng trù bị cùng pháo binh, máy bay yểm trợ tối đa nuôi cuồng vọng đẩy lùi Quân giải phóng. Ta xác định: Thắng ở đây mà thua cũng ở đây. Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 7 Quân giải phóng Anh hùng cùng nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương đã kề vai sát cánh, ngày đêm đắp chốt, đào hầm xây dựng “Lũy thép” Tàu Ô - xóm Ruộng với quyết tâm: “Chốt cứng, chặn đứng, không cho một chiếc xe, một tên địch vượt qua”. Chiến dịch mở màn đầu tháng 4-1972. Hỏa lực bộ binh của ta chọi với xe bọc thép, xe tăng của địch. Ý chí con người chống lại bom tấn, pháo bầy, B52 rải thảm. Bom, pháo địch cầy đi xới lại đất Tàu Ô, xóm Ruộng tơi tả, lồi lõm sình lầy. Mặc cho thương vong, hầm hào sập vùi lấp, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám chốt, sẻ chia vắt cơm, ngụm nước, vẫn truyền tai nhau bản tin chiến thắng sư đoàn. “Dù dưới chân không còn là đất, nhưng nơi đây là Tổ quốc thiêng liêng”; “Hầm chốt không còn, bám hố bom mà đánh”; “Một tổ cũng thành chốt thép, một người là một mũi tiến công”. Cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 7 cùng quân dân địa phương đã dựng lên “bức tường thép” trên đường 13, không cho địch tái lấn chiếm vùng giải phóng Lộc Ninh. Cuối tháng 8-1972, Sư đoàn 7 được Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền trao Cờ thưởng luân lưu Quyết chiến quyết thắng. “Quân và dân miền Đông Nam bộ anh dũng đã biến con đường này thành một con đường sấm sét và máu lửa của Mỹ, Ngụy, đã gieo khiếp sợ cho kẻ thù và làm kinh ngạc cả thế giới” (Báo Quân đội Nhân dân, tháng 8-1972).

Nguyễn Như Sơn đã cùng đồng đội làm nên thắng lợi vẻ vang của chiến dịch mang tên Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đồng đội của anh kể lại, anh là một người lính dũng cảm, luôn giành về phần mình những nhiệm vụ khó khăn nhất... Trong vài lá thư hiếm hoi mà gia đình nhận được, anh viết: “... Ở đây chỉ có máu, nước mắt và chiến thắng quân thù”. Anh ngã xuống mảnh đất không còn là đất nhưng rất đỗi thiêng liêng của Tổ quốc này cách đây tròn 40 năm, cùng hàng nghìn Anh hùng liệt sĩ, lấy máu đào của mình tô thắm thêm cho màu cờ đỏ tươi của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Anh Sơn ơi! Có nỗi tiếc thương nào hơn khi anh cùng bao đồng đội khác đã ngã xuống mà không được nghe tiếng kèn chiến thắng của Sư đoàn 7 Anh hùng thân yêu của anh vang lên rộn rã. Cùng bao thanh niên học sinh khác như Nguyễn Văn Thạc, Bùi Ngọc Dương… anh mãi mãi ở tuổi hai mươi, hy sinh tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho Tổ quốc. Tổ quốc Việt Nam mãi mãi tự hào và ghi công những người con ưu tú ấy.

Người mẹ tiễn anh lên đường đi chiến đấu năm nào, khi nhận được giấy báo người con trai mình đã hy sinh anh dũng ở mặt trận phía Nam, mẹ không chỉ một lần khóc ngất đi... Nước mắt của mẹ còn thấm đẫm áo sau nhiều năm trời bởi vì cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ước nguyện cháy bỏng của mẹ là tìm thấy hài cốt của người con trai mảnh khảnh và hết mực yêu quý của mình vẫn chưa thể nào thành hiện thực...

Câu chuyện tìm thấy hài cốt của anh với sự trợ giúp của tâm linh sau 40 năm thật ly kỳ, cảm động, như một chuyện cổ tích thời nay. Sau nhiều lần tìm anh không thành, vào mùa hè năm nay, cả gia đình gồm anh trai, em gái, em dâu của anh lại lặn lội vào tận miền Đông Nam bộ. Nghĩa trang liệt sĩ Bình Long, Hớn Quảng, Bình Phước quy tập gần 3.000 ngôi mộ, trong đó hơn một nửa là chưa xác định được họ tên. Ông Thuận, một nhà ngoại cảm thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) đã xác định hài cốt của anh đã được quy tập trong nghĩa trang này. Được sự giúp đỡ của vong linh liệt sĩ Bùi Thị Nghĩa và của chính vong linh anh, gia đình đã tìm được phần mộ vô danh nơi anh yên nghỉ. Sau đó, nhờ khoa học hiện đại, mẫu ADN đối chiếu với anh trai và em gái. Niềm vui vỡ òa sau khi nhận được tờ giấy khám định mẫu ADN khẳng định Nguyễn Như Sơn và anh trai cùng em gái anh có cùng quan hệ huyết thống!

Thể theo ước nguyện của gia đình, hài cốt của anh và những kỷ vật của anh suốt 40 năm qua được chuyển về đặt cạnh hài cốt người mẹ thân yêu của anh. Thế là mãi mãi từ nay, anh lại được về với mẹ, nghe tiếng ru hời đêm đêm của mẹ như thuở nào, được mẹ hiền ôm ấp, chở che, cũng như bao nhiêu đồng đội thân yêu của anh đã chở che, trò chuyện với anh hằng đêm trong suốt 40 năm qua... Trong khói hương thơm ngát, trong tiếng nhạc buồn trầm hùng, trong không khí trang nghiêm thành kính, UBND huyện Yên Định và xã Định Tân đã tổ chức Lễ truy điệu Liệt sĩ Nguyễn Như Sơn, người con ưu tú của Tổ quốc trang trọng tại nhà thờ họ Nguyễn Viên.

Giây phút xúc động nhất là khi người anh trai của anh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội đặc công “Gió Lốc” năm xưa, Đại tá Nguyễn Như Kim nói trong nước mắt nghẹn ngào: “Sơn em ơi! 40 năm qua đất trời phương Nam đã ôm ấp che chở cho em cùng bao đồng đội đã ngã xuống vào mùa hè đỏ lửa 1972 tại lộ 13, Tàu Ô, xóm Ruộng của mảnh đất miền Đông gian lao mà anh dũng. Lòng quả cảm, đức hy sinh của biết bao các anh hùng, liệt sĩ, trong đó có em đã viết lên trang sử hào hùng trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam... Từ nay, em mãi mãi ở trong lòng đất Mẹ của quê cha đất tổ, bên cạnh người mẹ yêu quý của em. Cầu chúc cho em ở chốn Tây phương cực lạc thịnh độ. Gia đình cảm ơn các nhà ngoại cảm, Trung tâm Giám định pháp y TP Hồ Chí Minh, Phòng Quân pháp Quân đoàn 4 (Đại tá Lưu Vũ Huệ), Ban Chính sách Sư đoàn 7, UBND các cấp và dòng họ Nguyễn Viên...

Theo sát hành trình tìm mộ gian nan của gia đình liệt sĩ, tôi xin viết bài này như một nén hương tri ân, kính dâng lên hàng triệu các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình cho Độc lập và Tự do của Tổ quốc. Hiện nay, vẫn có hàng vạn hài cốt liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc đang còn vô danh. Rất mong Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có một chính sách công bằng để tạo điều kiện cho gia đình những mộ liệt sĩ chưa xác định được tên đó tìm được hài cốt thân nhân, vì công việc tìm kiếm này rất gian nan về tinh thần lẫn vật chất. Mong các nhà ngoại cảm, trung tâm giám định pháp y, các nhà hảo tâm và tất cả các cơ quan hữu quan đồng tâm hợp lực với các gia đình thân nhân liệt sĩ để sớm tìm lại hài cốt của các anh, trả lại tên cho hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ. Đó là ước nguyện vô cùng chính đáng và rất đáng trân trọng; đó cũng là đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của một dân tộc hàng ngàn đời nay luôn lấy giá trị nhân văn làm thước đo đạo đức: Dân tộc Việt Nam.

Hồng Lam