Triển khai đồng bộ, kết nối liên thông

Xe++ - Ngày đăng : 06:41, 21/08/2012

(HNM) - Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Thủ đô Hà Nội đã và đang là một trong những TP phát triển về các dịch vụ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tế, TP còn nhiều việc phải làm, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP là điều cấp bách.

Tra cứu thông tin tại bộ phận “một cửa” huyện Sóc Sơn. Ảnh: Bá Hoạt

Sau 3 năm thực hiện ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP giai đoạn 2008-2011, có thể thấy rõ nét nhất việc ứng dụng CNTT từ tản mạn, thiếu đồng bộ, một nửa số huyện "trắng" CNTT thì đến nay hạ tầng kỹ thuật CNTT tương đối hoàn chỉnh ở các sở, ngành, UBND cấp huyện. Hiện, tỷ lệ bình quân máy tính/cán bộ toàn TP đạt gần 90% (trong đó khối sở, ngành đạt 100%; khối UBND quận, huyện, thị xã đạt 87,28%). Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã có mạng nội bộ (LAN) hoạt động và kết nối internet. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN cũng đã cho thấy hiệu quả nhất định. Ngoài Cổng giao tiếp điện tử TP, 40 đơn vị đã có trang thông tin điện tử và 19 đơn vị đang chạy thử nghiệm cung cấp các thông tin hoạt động của đơn vị cùng các dịch vụ hành chính công. Trong đó có 621 dịch vụ công mức 1 và 2, 252 TTHC được cung cấp ở mức độ 3. Nhiều sở, ngành, quận, huyện đã sử dụng phần mềm "một cửa điện tử" hỗ trợ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Báo cáo đánh giá chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông Việt Nam năm 2011 của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và truyền thông dành cho khối các tỉnh TP, Hà Nội xếp thứ 7 về xếp hạng chung, thứ 3 về hạ tầng kỹ thuật, thứ 32 về hạ tầng nhân lực, thứ 27 về ứng dụng, thứ 7 về môi trường tổ chức và chính sách trong 63 tỉnh, TP. Sự phát triển về CNTT của TP như vậy là nền tảng tốt để thực hiện các mục tiêu cho giai đoạn 2011-2015 về xây dựng chính phủ điện tử mà Chính phủ đã đề ra, đó là hướng tới bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên quy mô cấp quốc gia.

Dù đã đạt được những kết quả như vậy nhưng Hà Nội vẫn cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP hơn nữa mới hướng tới nền hành chính phục vụ thực sự, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Thực tế cho thấy còn nhiều chỗ "hổng" ảnh hưởng đến chất lượng ứng dụng CNTT như: Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT ở các đơn vị chưa đồng bộ, chưa khép kín mạng WAN đến cấp xã; kết nối liên thông giữa nhiều sở, ban, ngành chưa được thực hiện; ứng dụng "một cửa điện tử" tại UBND các quận, huyện, thị xã mới dừng lại ở phần tiếp nhận và trả kết quả TTHC chứ chưa áp dụng trong khâu xử lý và liên thông trong nghiệp vụ giải quyết TTHC. Đặc biệt, việc triển khai cung cấp 10 nhóm dịch vụ công mức 3 vẫn chưa thực hiện được, mới chỉ dừng ở mức thí điểm...

Hiện TP đã xây dựng chương trình mục tiêu "Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015". Trong đó, việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN được chú trọng với mục tiêu 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện có cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin và các dịch vụ công trực tuyến theo quy định; 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện và 50% UBND cấp xã ứng dụng hiệu quả CNTT tại bộ phận "một cửa"; 80% số hồ sơ khai thuế của DN, 30% số hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp giấy đăng ký mới xe ô tô, cấp giấy phép lái xe được thực hiện qua mạng. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng CNTT. Chương trình được triển khai tại tất cả các cơ quan Đảng, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan nhà nước trực thuộc TP Hà Nội (trừ bệnh viện, trường học và các doanh nghiệp nhà nước). Trong giai đoạn 2012-2013, TP sẽ xây dựng, phát triển và hoàn thiện hạ tầng, ứng dụng CNTT tạo nền tảng xây dựng "Cơ quan điện tử"; giai đoạn 2014-2015 sẽ đẩy mạnh xây dựng "Cơ quan điện tử". Nội dung và tiến độ như vậy được xem là phù hợp bởi hiện nay, Sở Nội vụ Hà Nội cũng đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận Long Biên triển khai thực hiện đề án "Xây dựng thí điểm mô hình chính quyền điện tử cấp quận và mô hình thí điểm bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC ở quận Long Biên". Dự kiến, đầu năm 2013, đề án sẽ vận hành được ở cấp độ 3, giai đoạn 2014-2015 có thể vận hành được ở cấp độ 4. Trên cơ sở kết quả thực hiện đề án ở quận Long Biên, TP sẽ tổ chức rút kinh nghiệm xây dựng bộ tiêu chí thực hiện "Xây dựng chính quyền điện tử" ở các cấp độ khác nhau.

Các kế hoạch đã được đề ra khá chi tiết, điều quan trọng là việc thực hiện phải đồng bộ và có quyết tâm cao. Có như vậy, TP mới đạt được mục tiêu đang hướng tới, đó là "TP Hà Nội sẽ đứng trong top đầu của các tỉnh, TP cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng, môi trường tổ chức và chính sách".

Hiền Chi