Hà Nội sẽ khoanh vùng điểm đen ngập úng để xử lý
Đời sống - Ngày đăng : 14:43, 20/08/2012
Đường 70 từ Viện 103 đến cầu Tó ngập nặng. |
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP, cơn bão số 5 mặc dù không đi trực tiếp vào TP Hà Nội nhưng đã gây mưa kèm giông lớn, lượng mưa đo được là trên 170 mm trong 2 ngày, tương đương với lượng mưa thiết kế của hệ thống tiêu thoát nước TP. Tuy nhiên, do nhiều công trình thoát nước chưa hoàn thiện, nên tình trạng ngập úng vẫn xảy ra. Trong đó có 2 điểm là đường Phạm Hùng-khu vực tòa nhà Keangnam và Đuôi cá - Trương Định bị ngập sâu, tiêu thoát chậm. Cơn bão đã làm gãy đổ 180 cây xanh các loại, trong đó nhiều nhất là các cây xà cử, muồng và me. Cây xanh gãy đổ đã kéo theo thiệt hại cả về người và của, làm một người chết, 9 ô tô và 30 xe máy bị hư hỏng.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn, làm rõ về độ an toàn của từng cây để có biện pháp thay thế, chống đỡ kịp thời. Những cây mới chồng phải là cây dễ cọc, dẻo dai. Công ty Công viên Cây xanh TP cũng phải lưu ý cải tiến phương pháp bảo vệ cây như chằng chống đề phòng cây ngã, đổ. Sở Tài chính và Sở Xây dựng phối hợp trình đề án trang bị phương tiện kỹ thuật cho Công ty Công viên Cây xanh TP để có đủ năng lực xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh ngã, đổ. Về sự cố sụt lún nghiêm trọng trên đường Lê Văn Lương kéo dài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo thành lập tổ kỹ thuật làm rõ nguyên nhân, tổ chức khẩn trương khắc phục, tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ nguy hiểm nào đối với người dân. Qua sự việc này, các sở, ngành phải rút kinh nghiệm, đồng thời đề xuất quy định ngăn chặn các công trình thi công xâm hại đến công trình hạ tầng.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TP, các ngành, các cấp tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả do cơn bão số 5 gây ra. Các sở, ngành liên quan nghiên cứu ngay việc phân vùng tiêu thoát nước cho khu vực phía bắc sông Hồng để rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả.
Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước TP phải khoanh vùng các điểm đen úng ngập, tổ chức bơm tiêu cục bộ để xử lý. Các sở, ngành cũng phải nghiên cứu lại cơ chế vận hành đạp Thanh Liệt trên tinh thần ưu tiên tiêu thoát nước cho nội thành trước. Chủ tịch TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc rà soát phương tiện máy móc tại các trạm bơm, cần thiết phải thay thế các máy móc đã cũ. Để tăng cường năng lực tiêu thoát nước khu vực ngoài sông Nhuệ, TP sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho trạm bơm Đông Mỹ, cần thiết sẽ cho đầu tư thêm một trạm bơm khác bên cạnh trạm bơm này.
* Liên quan đến công tác PCLB, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước Hà Nội khẩn trương hạ mức nước các sông, hồ trên địa bàn để chuẩn bị đối phó với đợt mưa mới, dự kiến có thể bắt đầu từ thứ năm (ngày 23-8) tới.
* Báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCLB TP Hà Nội cho biết, do hệ thống tiêu thoát nước chưa hoàn thiện, nên tình trạng ngập úng vẫn xảy ra, trong đó có 2 điểm là Phạm Hùng - khu vực tòa nhà Keangnam và Đuôi Cá - Trương Định bị ngập sâu. Riêng điểm ngập khu vực tòa nhà Keangnam, theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân là do sự cố mất điện trong khi mưa bão khiến máy bơm thoát nước trong khu vực không hoạt động. Cơn bão đã làm một người chết; 9 ô tô và 30 xe máy bị hư hỏng; 180 cây xanh các loại bị đổ, gãy, trong đó có 50 cây đường kính trên 20cm. Trong các cây bị gãy đổ, loại cây xà cừ, muồng và me chiếm đa số. Khu vực ngoại thành có 168ha lúa bị ngập, hỏng; 6.000ha lúa, rau màu bị ngập sâu.