Thuật toán và quyền mưu (tiếp)
Sách - Ngày đăng : 09:38, 20/08/2012
IV. Các loại thuật toán
A. Thuật chiêm bốc, bói toán
Từ thời tiền sử, trước những hiện tượng thiên nhiên bí ẩn và có sức mạnh to lớn như sấm chớp, mưa gió, động đất, núi lửa, thiên thạch hay những thay đổi bất thường của thời tiết, vòng tuần hoàn của mặt trăng, mặt trời, một số thuật sĩ có trí tuệ thiên phú, hơn những người cùng bộ lạc, đã biết quan sát thiên nhiên rồi sáng tạo ra bộ môn bói toán đầu tiên gọi là Quy bốc với công việc đơn giản là xem và giải đoán những hoa văn trên mai rùa đen. Những thuật sĩ này đã chọn lọc, chỉnh sửa những ký hiệu thiên tạo này thành Bát quái gồm 8 hình vẽ do các vạch âm dương hợp thành, mỗi quái đơn (hay quẻ) có 3 vạch. Tiếp đó, Bát quái được cải tiến để có thể thay đổi, thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh cuộc sống đa dạng hơn. Các quái đơn được thứ tự đặt chồng lên nhau, tạo thành 64 quẻ, với 6 lần biến hóa thành 384 hào. Vì thế, Kinh Dịch đã dùng những quẻ này biểu thị cho sự biến hóa có quy luật của cả tự nhiên và xã hội. Dựa trên nền tảng Kinh Dịch, người ta bắt đầu vận dụng, nghĩ ra thêm cách tính lịch pháp và xem bói, căn cứ vào nghĩa của tượng quẻ và hào từ. Tuy nhiên, dù có dự đoán sự việc đúng hay sai, thì những lời giải thích đều quanh co, dài dòng, vòng vo, mơ hồ và thậm chí rối rắm (điều này chắc chắn xảy ra bởi chỉ có một quẻ 6 vạch đứt - liền mà đem ra dự đoán đủ các việc trên đời thì không thể tránh khỏi trùng lặp). Đến thời Tây Hán, nhà đại dịch học Đổng Trọng Thư bắt đầu cải cách Dịch học, kết hợp với âm dương ngũ hành và đến thời Tống, thì một nhà đại dịch học khác là Thiệu Khang Tiết đã có cải cách căn bản mang tính lịch sử bằng cách dùng quy luật con số để thuyết minh cho 64 quẻ (nói một cách khác tức là đã số hóa quái, lập ra phương pháp căn cứ vào số để lập quẻ) và phát minh này vẫn còn được sử dụng đến tận bây giờ, được biết đến như Mai hoa dịch số hay Thiệu Khang Tiết thần số.
Ví dụ một số thuật chiêm bốc, bói toán thời xưa:
- Bói vỏ sò: Sách sử ghi rằng, một trong 4 đại đệ tử của Quỷ Cốc Tử là Tô Tần, đã sử dụng phương pháp bói này (xem vỏ sò dự đoán cát hung) để kiếm ăn trong thời gian bị đói rét ở đất Yên.
- Bói gà: Thường khi tế lễ, người ta mổ gà để xem buồng gan có hình dáng ra sao, rồi đoán cát hung (một số nơi ở nước ta lại dùng chân gà để đoán).
- Bói súc sắc: Được cho là do đại triết gia Lão Tử sử dụng, dựa vào 4 màu vàng đất, xanh lục, đen, trắng của súc sắc mà dự đoán.
- Bói quân cờ: Xuất hiện từ thời Hán - Sở. Người ta lấy 12 quân cờ gỗ hình tròn, chia 3 nhóm Thượng, Trung, Hạ rồi tung lên 4 lần để chọn ra mỗi lần một quân mà đoán.
- Bói chân trâu: Sau khi giết trâu để tế lễ thần linh, người ta căn cứ vào hình dáng của chân trâu để dự đoán.
- Bói đồng tiền: Do nhà dịch học thời Hán là Kinh Phòng sử dụng khi hành nghề xem bói ở Thành Đô.
- Bói cỏ thi: Là một loại cỏ thân cứng, tròn, lá nhỏ cạnh sắc, hoa trắng có thể phơi khô để xông muỗi và cuống cỏ để bói dịch (ở nước ta vùng Hà Nam cũng có). Người ta chọn 50 nhánh, lấy 49 chia ra làm 2, rồi lần lượt thao tác qua 4 bước tạo ra quẻ như trong Kinh Dịch để dự đoán.
B. Thuật chiêm tinh
Người phương Tây cổ đại tôn thờ, sùng bái thần mặt trời Helios, còn người phương Đông quan sát và bị mê hoặc bởi vẻ đẹp mặt trăng của Hằng Nga. Quy luật dễ nhận biết nhất là chu trình thay đổi đều đặn của mặt trăng từ khuyết đến tròn và sau 12 lần như vậy khớp với 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, tức là tròn một năm. Dựa trên quy luật đó mà lịch pháp ra đời, dùng 10 thiên can, 12 địa chi kết hợp với nhau để biểu đạt thời gian của năm-tháng-ngày-giờ. Ngoài ra, người bộ lạc cũng đã quan sát rất kỹ và tin tưởng thành kính sức mạnh của các ngôi sao, chòm sao và họ đã sắp xếp các sao thành nhóm, đặt tên, phân chia phương hướng, màu sắc, ngũ hành lập thành Tinh đồ (bản đồ sao). Các nhà chiêm tinh cổ đã thu gọn vũ trụ thành một hình tròn trên mặt giấy với một vòng lớn bao trùm gọi là Hoàng đạo chia thành 360 độ. Nhị thập bát tú (28 sao) được phân bổ từ Tây sang Đông, dùng Bát quái chia các sao theo phương vị, 4 mùa và từ đó theo dõi, suy đoán, chiêm nghiệm về cuộc sống và xã hội. Người ta tin rằng, tất cả mọi chuyển động của vũ trụ đều có tác động đến sinh mạng con người trên trái đất, bởi vậy tất cả biến động, di động, thay đổi trạng thái hay cường độ ánh sáng của các vì sao đều ẩn chứa thông tin về con người. Người ta đã áp dụng thuật chiêm tinh để xem thiên văn, thời tiết, đoán số mệnh và dùng binh pháp. Thuật tinh bốc, không những có thể dự đoán vận mệnh của một quốc gia mà còn dự báo số phận của từng cá nhân. Theo thuyết Ngũ đức chung thủy, mỗi triều đại đều phải chịu chi phối bởi một hành nào đó trong Ngũ hành. Theo thời gian, nếu hành của triều đại đó được các sao đồng chất phù trợ thì thịnh trị, vượng phát, còn nếu bị các sao khác chất khắc chế, phá ám thì suy vong, sụp đổ. Đối với số mệnh đời người, nhà chiêm tinh cho rằng: Trên trời có vô vàn các vì sao, các sao này phân bổ linh khí cho con người hấp thụ để sinh ra và lớn lên. Nếu nhận được khí chất lượng cao, thì số phận sẽ giàu sang, quyền quý. Nếu khí kém chất lượng, thì nghèo hèn, khổ sở. Theo vòng tuần hoàn của mỗi sao, ai sinh vào ngày tháng nào, sẽ tình cờ gặp được vì sao ngẫu nhiên của mình đang trên đường vận hành. Cách lý giải lắp ghép tinh tú với số mệnh này giống như quan niệm chiêm tinh phương Tây, là dựa vào 12 chòm sao Bạch Dương, Kim Ngưu, Song Tử, Bảo Bình… ai sinh vào khoảng thời gian nào trong năm sẽ thuộc về chòm sao quy định của tháng đó.
C. Thuật đoán mộng
Người phương Đông xưa từ thế kỷ V, bắt đầu quan tâm đến những giấc mơ. Một số nhà tâm linh học cho rằng, mơ là một hiện tượng mà người ta nhìn thấy và ghi nhớ lúc hoạt động, tái diễn lại trong giấc ngủ để báo hiệu điềm gì đó. Khi giấc mơ được hình thành, tuy nằm trong ý thức của con người, nhưng ta lại cảm nhận và tiếp thu hoàn toàn vô thức, bị động và không thể điều tiết được. Do nhận thức bản chất những giấc mơ khác nhau có phần liên quan đến thực tại, cho nên từ lâu người ta dày công nghiên cứu mối quan hệ giữa hiện tại - giấc mơ và tương lai (gần, xa). Nhưng các triết gia cũng có cách nhìn nhận riêng về những giấc mơ dựa trên quan điểm thịnh suy, biến thiên của Thuyết âm dương ngũ hành. Sách Hoàng đế nội kinh phân tích, khí âm trong người thịnh sẽ nằm mơ thấy qua suối nước lớn, sầu bi hoảng sợ. Khí dương thịnh, thì mơ thấy lửa cháy đùng đùng. Nếu cả âm dương đều vượng quá thì mơ thấy đâm chém, đánh nhau ầm ầm. Phần trên thịnh thì mơ bay lượn, leo cao mãi. Phần dưới thịnh thì mơ thấy tụt dốc, rơi ngã xuống đất. Khi tình trạng sinh học no đủ, thì mơ thấy của mình cho người. Khi cơ thể đói, yếu thì mơ mình lấy của người khác. Tôn Chân Nhân viết trong Thần luận rằng: Mộng được tạo thành do hồn phách trong cơ thể (kinh mạch) không lưu thông được, đêm đêm hồn phách hư tĩnh bởi thế sinh ra mộng mị. Nếu mơ thấy nửa đêm về trước, gọi là mộng xa (lâu xảy đến), nếu mơ nửa đêm về sáng là mộng gần (xảy ra ngay), từ đó sinh ra chuyện báo mộng lành dữ. Sách Tân đình cũng viết: Người làm to, mộng ác, thì phải sửa đức; người có chức, mộng ác, phải sửa quan tính; người thường, mộng ác, phải sửa thân. Ai đãng trí trăm sự mà chẳng nhớ, thì cũng không mộng mị gì, người ngu ngốc càng ít mơ mộng. Trang Tử thì cho rằng: Chí nhân không có mộng, vì chí nhân không cho dục vọng, vô cầu, không ham muốn, nên không có gì để hình thành mộng. Thế nhân vì ham muốn vô cùng, cho nên cảm nhận mọi sự việc mà luôn thành mộng. Chính vì con người ta nhiều cái muốn, nên tất cả những giấc mơ đều được quy thành điềm lành-dữ, may mắn-tai họa, đỏ-đen, cát vận-mạt vận… Vì thế, người ta thường dựa vào ý nghĩa tượng trưng, bóng gió của nội dung giấc mơ để giải đoán về tiền tài, sự nghiệp, sức khỏe, phúc họa... cũng có nhiều người nằm mộng để tính số đề, xổ số…
(Xem tiếp số sau)