Việt Nam phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Công nghệ - Ngày đăng : 07:17, 20/08/2012
Tiến sĩ Trần Đại Phúc.
- Ông có thể kể đôi chút về con đường đến với ngành công nghệ hạt nhân của mình?
Ngành học đầu tiên của tôi khi du học tại Bỉ không phải là công nghệ hạt nhân mà là kỹ sư điện tử. Thời điểm đó, khoa học hạt nhân còn là lĩnh vực mới mẻ với thế giới. Sau khi tốt nghiệp tại Bỉ và sang Pháp dự định học tiếp, người tác động nhiều tới quyết định của tôi là thầy Louis Neél - giành Giải Nobel Vật lý năm 1970. Với sự hướng dẫn của thầy Louis Neél cùng nhiều thầy giáo khác, tôi đã lọt vào top 5 nghiên cứu sinh xuất sắc nhất Trường Kỹ thuật công nghệ hạt nhân (Pháp) và nhận được học bổng tiến sĩ của Viện Năng lượng nguyên tử Pháp. Công trình bảo vệ luận án tiến sĩ của tôi mang tên "Sự phá hủy của tia notron trong thùng thép đựng vùng hoạt" được đánh giá rất cao. Sau đó, tôi làm việc tại rất nhiều quốc gia và bây giờ, dù đã nghỉ hưu, tôi vẫn là chuyên gia cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Mỗi năm tôi về Việt Nam hai lần để giảng dạy cho cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Giai đoạn nào ông cho là khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình?
- Đó là thời sinh viên khi tôi bắt đầu theo học công nghệ hạt nhân. Khả năng tiếp thu không bằng nhiều bạn khác trong lớp, tuy nhiên, các cụ nói không sai "cần cù bù thông minh". Đây là điều tôi vẫn luôn tự nhủ trong suốt quá trình học tập và cũng là động lực để tôi không từ bỏ ngành nghiên cứu này dù vất vả hơn nhiều so với những bộ môn khác.
- Lý do nào thôi thúc ông trở về Việt Nam làm việc sau chừng ấy năm xa quê hương?
Lý do tôi trở về Việt Nam đơn giản lắm. Tôi nghĩ mình bôn ba đã đủ, đã gần hết đời người. Tôi là một chuyên gia về công nghệ hạt nhân và tôi nghĩ, những kinh nghiệm mà tôi thu thập được trong suốt hơn 40 năm làm việc ở nước ngoài có thể đóng góp cho Việt Nam trong bước đầu phát triển công nghệ điện hạt nhân.
- Sau sự cố hạt nhân tại Nhật Bản, việc Chính phủ Việt Nam xúc tiến kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đang khiến không ít người lo lắng. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Việt Nam muốn phát triển, phải có nền năng lượng bảo đảm. Từ nay đến năm 2050, không gì thay thế được năng lượng hạt nhân. Năng lượng gió, điện mặt trời còn phức tạp, nhất là ở một đất nước có diện tích nhỏ và dân cư đông đúc như Việt Nam. Theo tôi biết, hiện tại, công nghệ Việt Nam định áp dụng để xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đều là công nghệ được xếp vào hàng tiên tiến. Việc Việt Nam phải chú trọng hiện nay là đào tạo nhân lực. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này của ta rất thiếu vì phần lớn chuyên gia được đào tạo về vật lý hạt nhân, chuyên gia về công nghệ hạt nhân rất ít, kể cả trong giới Việt kiều. Từ nay đến năm 2020, để 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận vận hành, phải có ít nhất 500 chuyên viên, chuyên gia. Chưa hết, với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cũng cần chừng ấy người để kiểm tra tính an toàn của nhà máy trong lúc vận hành. Cái khó là muốn đào tạo chuyên gia về công nghệ hạt nhân, phải mất khoảng 8-12 năm. Nếu theo quá trình thông thường, e rằng Việt Nam khó đạt được mục tiêu là phải có ít nhất 2.000 chuyên gia hạt nhân từ nay đến năm 2020-2025.
Trong khi đó, các báo cáo khoa học đã cho thấy tai nạn hạt nhân tại Three Mile Island (Mỹ) hay Chernobyl (Ukraine) đều do con người không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong vận hành. Ngay cả cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản), dù nguyên nhân chính là do động đất và sóng thần, song nếu nhà vận hành TEPPCO chuẩn bị tốt để đối phó với sự cố thì tai họa có lẽ đã không lớn đến vậy.
- Công việc đòi hỏi thường xuyên xa nhà, vậy có khi nào ông phải chịu áp lực từ phía gia đình về điều này?
Tôi may mắn có được một người bạn đời rất biết thông cảm với mình. Là phụ nữ phương Tây nhưng hầu hết công việc nội trợ, chăm sóc, dạy dỗ con cái đều do bà ấy quán xuyến. Vì vậy, dù thường xuyên phải đi công tác xa, có khi đến 8, 9 tháng ròng, song tôi vẫn luôn cảm thấy yên tâm vì ở nhà đã có "hậu phương vững chắc". Ngay cả ở tuổi này, lẽ ra tôi phải sống với gia đình nhiều hơn, song tôi vẫn nhận được sự thông cảm từ vợ và các con vì từ khi kết hôn, bà ấy cũng tìm đọc rất nhiều cuốn sách nói về phong tục tập quán của Việt Nam và rất hiểu câu "lá rụng về cội".