Điều trị đái dầm hiệu quả bằng châm cứu
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:09, 20/08/2012
(HNM) - Hỏi: Con gái tôi đã học lớp 1 nhưng đêm ngủ vẫn hay đái dầm. Xin hỏi nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và cách điều trị?
(Anh Bùi Văn Trung, Đông Anh)
Đây là tình trạng đi tiểu không tự chủ trong khi ngủ, chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có trường hợp đến tuổi thanh thiếu niên vẫn đái dầm. Thể đái dầm tiên phát từ nhỏ (đa số là trẻ trai) với 10 - 15% trẻ dưới 5 tuổi, 1 - 2% trẻ từ 8 đến 15 tuổi. Theo kết quả một số nghiên cứu khoa học đã công bố, nếu một trong hai người là bố hoặc mẹ lúc nhỏ mắc chứng đái dầm thì 44% trẻ sinh ra bị đái dầm. Gen qui định đái dầm nằm trên cặp nhiễm sắc thể số 13 ở người bị đái dầm. Nguyên nhân gây ra tình trạng đái dầm thường do cung phản xạ thần kinh kiểm soát việc đi tiểu phát triển chưa hoàn thiện (còn gọi là bàng quang chưa trưởng thành). Tình trạng này thường sẽ dần hết, không cần điều trị sau khi trẻ được 5 tuổi. Còn với thể đái dầm thứ phát thì nguyên nhân chính có liên quan tới yếu tố tâm lý như giấc ngủ không sâu, có cảm giác buồn đi tiểu nhưng không thể thức dậy để đi tiểu, mơ đang đi tiểu, thay đổi môi trường sống và học tập, gia đình không hạnh phúc, bị lạm dụng tình dục, đe dọa. Một số tổn thương thực thể cũng gây đái dầm thứ phát như giảm tiết hormon chống bài niệu vào ban đêm, dị tật bẩm sinh hệ sinh dục tiết niệu, viêm đường tiết niệu, đái tháo đường, táo bón, gai đôi cột sống...
Cho trẻ đi tiểu hết trước khi đi ngủ, đồng thời hạn chế cho trẻ uống nước trước lúc đi ngủ 2 giờ sẽ cải thiện được tình trạng đái dầm. Nếu trẻ lớn tuổi vẫn đái dầm thì nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được khám, điều trị đúng thuốc. Điều trị bằng châm cứu cũng có thể hiệu quả với khoảng 65% trẻ.