Cách mạng Tháng Tám mở ra thời đại Hồ Chí Minh

Xã hội - Ngày đăng : 06:33, 20/08/2012

(HNM) - Cách mạng tháng Tám năm 1945 - Một mốc son trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thành quả Cách mạng tháng Tám năm 1945 tạo ra những biến đổi lớn về chính trị, xã hội, mang tầm bao quát rộng lớn về chiều hướng phát triển đất nước và chứa đựng những yếu tố cơ bản sự vận động phù hợp với sự phát triển nội tại của đất nước trong xu thế phát triển chung của nhân loại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là nhà cách mạng tài ba Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Tám đặt nền móng cho một thời đại mới ở Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ phong kiến hàng ngàn năm, xóa bỏ chế độ thực dân, mở ra một thời đại mới. Chế độ phong kiến kéo dài hơn ngàn năm ở nước ta mang bản chất quân chủ phong kiến. Quyền lực của vua là tối thượng, quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều ở nơi vua. Giang sơn đất nước là của vua, dân là phương tiện bảo vệ, hy sinh cho quyền lực và lợi ích ấy. Vua là đấng minh quân, quan là bậc trung quân, ái quốc, biết nhìn ra sức dân, biết dựa vào hiền tài để chấn hưng đất nước thì dân được nhờ, đất nước vững mạnh. Vua và quan lại mà sa đọa, tham lam, bè cánh trục lợi về quyền lực và vật chất thì dân khổ, nước suy, họa mất ngai vàng và mất nước là nguy cơ khôn lường.

Trong cảnh lầm than của nhân dân một nước phong kiến - thuộc địa, đầu thế kỷ XX, người thanh niên yêu nước Văn Ba ra nước ngoài và mang tên Nguyễn Ái Quốc, rồi trở về với tên gọi Hồ Chí Minh, đã khởi xướng cuộc biến đổi to lớn cho đất nước, cho nhân dân. Cách mạng tháng Tám thắng lợi vừa đánh dấu chấm hết vĩnh viễn chế độ quân chủ phong kiến từng tồn tại hàng ngàn năm và phá tan xiềng xích thực dân gần trăm năm trên đất nước ta, làm thay đổi căn bản chế độ chính trị trong xã hội Việt Nam, vừa là khởi đầu cho một thời đại mới, thời đại mà người dân từ vị thế bị áp bức, bóc lột, trở thành người làm chủ bản thân, làm chủ đất nước thông qua chế độ dân chủ.

Thời đại dân là chủ, dân làm chủ bắt đầu. Sau khi đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”(1), ngay ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng, chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Người đề nghị sớm tổ chức cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

Ngày 6-1-1946, sau vài tháng chuẩn bị, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã diễn ra. Tất cả công dân trai gái từ 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống... Đó “là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”(2), điều mà ngàn năm trước đó không có. Hiến pháp dân chủ khẳng định vị thế chủ nhân đất nước là nhân dân. Mọi quyền lực, quyền lợi đều thuộc nơi dân. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và khu vực Đông - Nam Châu Á xuất hiện một hình thái nhà nước mới - nhà nước dân chủ, nhân dân.

Nếu như tính dân tộc là đặc trưng truyền thống, xuyên suốt lịch sử dân tộc thì tính dân chủ là đặc trưng mới bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, thực hành dân chủ từng bước được chú trọng. Hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức trong nhiều lĩnh vực hoạt động của hệ thống chính trị đang dần được khắc phục, điều rõ nhất là Quốc hội mấy khóa gần đây đã, đang từng bước phát huy dân chủ trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân. Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh thực hành dân chủ trên thực tế. Dân chủ là một đặc trưng rất cơ bản, một tất yếu lịch sử trong thời đại Hồ Chí Minh.

Triết lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) là đặc trưng xuyên suốt thời đại Hồ Chí Minh ở nước ta. Trong hoàn cảnh mất nước thì quyền lợi dân tộc được đặt lên trên hết, vì có giải phóng dân tộc mới giải phóng được giai cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được độc lập cho dân tộc thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Người từng tuyên bố “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Vừa giành chính quyền, nhân dân ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kế tiếp là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Giang sơn đất nước vừa mới thu về một mối thì phải đương đầu với chiến tranh xâm lược trên tuyến biên giới phía Bắc và biên giới Tây - Nam. Gần nửa thế kỷ, đất nước ta phải chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát để bảo toàn độc lập. Thế mới biết giá trị độc lập trên đất nước này thiêng liêng như thế nào, thế mới thấu lòng Dân, ý Đảng khi ấy hòa quyện sâu đậm như thế nào.

Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(3). Đây vừa là tư tưởng, ý chí, tình cảm, vừa là ngọn cờ cách mạng của nhân dân Việt Nam trên con đường xây dựng CNXH.

Mục tiêu độc lập, hòa bình, thống nhất đã đạt được. Nhưng mục tiêu giàu mạnh, dân chủ vẫn còn là khát vọng cháy bỏng của Đảng ta và nhân dân ta. Hơn 25 năm kể từ Đại hội VI, 20 năm kể từ Đại hội VII đến nay mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đã được xác định trong Cương lĩnh sửa đổi và phát triển 2011. Mục tiêu đó cũng là nội hàm xây dựng CNXH.

Như chỉ đạo của Bộ Chính trị, vũ khí chỉnh đốn Đảng thiết thực, hiệu quả nhất lúc này là tự phê chân thành, phê bình thẳng thắn và xây dựng. Cả hai mặt đều quan trọng, có mối quan hệ biện chứng, nhưng tự phê chân thành là tiền đề thúc đẩy phê bình thẳng thắn và tạo môi trường giúp đỡ lẫn nhau trong tình đồng chí. Sự chuẩn bị của Bộ Chính trị rất nghiêm túc, chu đáo để bộ phận đầu não này thực thi và hướng dẫn toàn Đảng thực hiện. Bộ Chính trị là người đề xướng và tổ chức thực hiện, hơn nữa lại thực hiện trước, vì thế, có cơ sở để tin tưởng rằng, sự khởi đầu từ “nóc nhà” sẽ có kết quả mang tính nêu gương và có sức lan tỏa. Chỉ có thế Đảng ta mới kiên định được độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

Đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị xuyên thời đại mang tên Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Người để lại một di sản quý giá cho Đảng, cho dân, đó là Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đạo đức là nền tảng tư chất của người cách mạng, nó giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Theo Bác, việc tu dưỡng đạo đức suốt đời giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

Đạo đức Hồ Chí Minh gắn chặt với tình yêu thương con người, thấu hiểu giá trị làm người. Khát vọng của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người lại nói: “ Nước độc lập, mà dân không có tự do, thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì”. Người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Không phải ngẫu nhiên, khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước của dân ra đời, người đặt Quốc hiệu là “Việt Nam dân chủ, công hòa; Độc lập, tự do, hạnh phúc”. Độc lập, tự do, hạnh phúc là khát vọng của Người, cũng là tuyên ngôn phát triển đất nước của nhân dân Việt Nam từ 67 năm trước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức mỗi người không tách rời đức tính cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đặc biệt là “một bộ phận không nhỏ” phải siêng năng, không lười biếng; phải biết tiết kiệm tiền của, công sức của dân, của nước, của bản thân mình; phải có đôi bàn tay sạch, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không tham lam quyền lực và vật chất; phải thẳng thắn, đứng đắn, nói đi đôi với làm, khiêm tốn, đoàn kết thật thà; phải để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, không phai nhạt lý tưởng, không lợi dụng chức quyền để tùy tiện, vô nguyên tắc.

Thực hiện di huấn của Người làm nên thời đại ở Việt Nam và để xứng đáng với sứ mệnh là người tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, toàn Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”. Nếu những biểu hiện suy thoái (chính là chủ nghĩa cá nhân) của “một bộ phận không nhỏ” từng bước được quét sạch, thì đạo đức cách mạng mới được nâng cao. Lúc đó, lòng Dân, ý Đảng sẽ sắt son như những tháng năm hy sinh trước bom đạn vì độc lập dân tộc.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức của Người luôn là nguồn sáng để mỗi đảng viên, mỗi người dân tự soi mình để vươn tới tầm tư tưởng nhân văn ấy. Đồng thời, tấm gương đạo đức của Người đang là, phải là chuẩn mực để loại bỏ những con người cố tình làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, làm giảm uy tín của Đảng trước nhân dân.

Thời đại Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc đến với nhân loại. Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng tinh thần quốc tế trong sáng. Đó là, tình đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước. Theo Người, chủ nghĩa quốc tế vô sản gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, hơn nữa phải là chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng. Tinh thần quốc tế trong sáng của Người thể hiện ở lòng chân thành, giản dị, suốt đời hy sinh vì nhân quần, nhân ái. Người không đứng ngoài hay ở trên nhân dân, mà sống cùng nhân dân. Người không phân biệt màu da, sắc tộc, mà gần gũi với tất cả nhân dân lao động bốn phương. Người đã đưa dân tộc ta đến với nhân loại và sống cùng thời đại.

Cách mạng tháng Tám đã đưa dân tộc ta đứng ngang hàng và bình đẳng cùng phát triển với các dân tộc khác trên thế giới. Ngoại giao Hồ Chí Minh đã mở rộng quy mô cuộc đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập dân tộc trên phạm vi thế giới. Phương châm này đã được Đảng ta khái quát thành chủ trương Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Tư tưởng ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh đã và đang đưa nhân dân ta đến với thế giới và đưa nhân dân thế giới đến với Việt Nam. Bác nói: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang chung đúc cái chiêng Việt Nam bền đẹp đủ sức cất tiếng ngang tầm thời đại trong thế giới hôm nay.

*

*             *


Tầm vóc và vị thế của Việt Nam hôm nay có nguồn gốc bắt đầu từ sự biến đổi vĩ đại là Cách mạng tháng Tám năm 1945. Dấu ấn Hồ Chí Minh đậm nét trên chặng đường sinh ra những biến đổi mang tính cách mạng sâu sắc ấy và là nền tảng tạo ra những bước phát triển mới trên đất nước ta. Thời đại sau Cách mạng tháng Tám gắn liền với tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mang tên thời đại Hồ Chí Minh. Gọi thế, vừa là để khẳng định tư tưởng của Người thực sự đã và đang là ngọn đuốc soi đường cho đất nước phát triển, vừa là để ghi ơn người con của dân tộc vì “chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”(4).

Thời đại Hồ Chí Minh còn rất dài và mãi mãi đồng hành cùng dân tộc.

(1) Tuyên ngôn Độc lập.
(2) Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Hồ Chủ tịch (công bố ngày 5-1-1946).
(3) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(4) Điếu văn Hồ Chủ tịch của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc tại tang lễ được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 tại Quảng trường Ba Đình.

PGS.TS Phạm Xuân Hằng