Truyện của em: Chiếc chìa khóa kỳ diệu
Xã hội - Ngày đăng : 08:08, 19/08/2012
Nhưng lý do lớn nhất, ấy là mang tiếng toàn đạt 8,9 môn tiếng Anh ở trường vậy mà đem ứng dụng thì tôi lại kém cả mấy em bé mới đi học tiếng Anh giao tiếp. Mà tôi nghĩ, học lại không ứng dụng được thì học làm gì! Không chỉ mình tôi nghĩ thế, mà quá nửa lớp đều đi học ở Anh ngữ London và bỏ bê giáo trình tiếng Anh trên lớp - cho tới khi một cô giáo mới đến với chúng tôi.
Minh họa: Lê Tiến Vượng |
Cô có cái tên rất đẹp: Nguyệt Hương. Buổi học đầu tiên, chúng tôi hơi "choáng" vì cô năng động như một giáo viên thể dục vậy. Và ngay lập tức, cô khiến lớp tôi phải la bai bải vì "chế độ" mới: điểm chuyên cần được tính bằng số buổi đi học và điểm trò chơi tự làm; điểm giữa kỳ là bài tập viết nhật ký hoặc bất cứ đề tài gì - mỗi người 5 bài, tất nhiên là bằng tiếng Anh; điểm cuối kỳ là nhóm báo cáo về một đề tài tự chọn. Ngoài ra, trong giờ học, tuyệt đối không được nói tiếng Việt.
Ban đầu, vốn quen với việc mỗi học kỳ làm 3 bài kiểm tra và thế là... xong, bây giờ lại phải đầu tư thế này, lớp tôi ai cũng méo cả mặt. Nhưng kỳ lạ chưa, càng ngày lớp tôi lại càng mong tới tiết Anh hơn. Bởi vì chúng tôi - những học trò lười biếng và thụ động đã phát hiện ra rằng khi ta dốc sức xây dựng một công trình, đó thực sự là một niềm hạnh phúc.
Đầu tiên là "bài tập" làm trò chơi. Trò chơi có thể là ô chữ, nghe nhạc đoán bài hát... miễn là nhóm 2 bạn phối hợp tốt cho cả lớp chơi vui. Theo sổ điểm danh, tôi cùng cặp với một nhỏ tôi không thích lắm. Thế nhưng, sau lần làm việc nhóm đó, tôi đã phát hiện ra rằng bạn ấy cũng... dễ thương ra phết!
Bài tập viết nhật ký cũng không phải là bài cá nhân đâu nhé! Chúng tôi được chọn cặp và sẽ tự chỉnh sửa lỗi chính tả, ngữ pháp... cho nhau trước khi nộp.
Phải qua những buổi đánh đố nhau như thế, chúng tôi mới hiểu là mình giỏi cái gì, yếu cái gì. Quả là một bài tập nhớ đời! Nhưng vui nhất, mà cũng tức cười nhất, là vụ cấm tiếng Việt. Ban đầu chúng tôi sợ lắm, im như hến. Vì nhiều câu đơn giản mà có biết nói đâu! Nhưng ngồi yên được 5, 10 phút chứ đố mà im được 45 phút đấy. Thế là bằng mọi giá phải truyền tải được điều mình muốn nói bằng tay, bằng giấy bút, thậm chí diễn kịch câm luôn. Thế là từ lần sau xanh cả mắt mèo, phải lụi cụi tra từ vựng ở nhà. Nhờ thế mà nhớ lâu.
Cuối năm tổng kết, tôi được tới 3 điểm 10. Cảm giác khi trả bài nhật ký thật xúc động biết bao. Không phải vì điểm 10 mà là niềm hạnh phúc khi công trình của mình được nhìn nhận. Tôi nghĩ, nếu bài viết ấy có được điểm thấp đi chăng nữa, chỉ cần đọc lời nhận xét chu đáo và nhìn vào ánh mắt ấm áp của cô giáo Nguyệt Hương, tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Dù chỉ vỏn vẹn 1 học kỳ, nhưng cô đã dạy tôi rằng: sáng tạo chính là chìa khóa thành công trong cuộc sống. Bởi vì cùng là giáo trình đó, thời lượng đó, nhưng cô đã có cách riêng của mình để gieo niềm say mê vào các học sinh.