Trăn trở giữ nghề ở Đông Phương Yên
Xã hội - Ngày đăng : 08:02, 19/08/2012
Xưởng sản xuất của Tổ hợp tác mây tre Lệ Tùng cũng chỉ còn ít sản phẩm được đóng gói xuất khẩu. |
Từ quốc lộ 6 rẽ tay phải, men theo con đường bê tông độc đạo chúng tôi đến làng nghề mây tre đan Đông Phương Yên. Nơi đây thật yên tĩnh, không còn sự náo nhiệt của xe chở hàng ra vào như trước. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Tiến cho hay, toàn xã có 7 thôn, duy nhất thôn Tân Phương làm dịch vụ thương mại, còn 6 thôn có nghề mây tre đan. Cả 6 thôn đều được công nhận làng nghề, nhưng đến nay để duy trì và phát triển nghề rất khó. Thời kỳ thịnh vượng nhất (năm 2004-2006), xã có tới 13 công ty, 54 chủ thu gom sản phẩm cho bà con và 80% dân số tham gia làm nghề. Vì vậy, giá trị tiểu thủ công nghiệp của xã khi ấy chiếm 55% trong cơ cấu kinh tế; thu hút 7.000 lao động tham gia. "Thời điểm đó xã tôi như một công xưởng sản xuất, nhà nhà, người người làm nghề, sản phẩm phơi từ trong nhà ra đường, nơi đâu cũng trắng xóa màu mây, nhưng nay hình ảnh đó đã đi vào dĩ vãng. Từ năm 2008 đến nay, chỉ có 4 năm mà LN trải qua biết bao sóng gió, số hộ làm nghề nay đã giảm đi 50%, cả xã chỉ còn 3 DN xuất khẩu hàng mây tre đan và 20 chủ thu gom" - ông Tiến nói. Các mặt hàng mây tre đan Đông Phương Yên ế ẩm, không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc cùng loại về giá cả.
Đến thăm tổ hợp tác mây tre Lệ Tùng, một trong 3 DN còn sót lại tham gia làm hàng xuất khẩu, Giám đốc Nguyễn Hữu Định trăn trở: Tham gia xuất khẩu hàng này sang nước ngoài đã được 16 năm nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh suy sụp của LN như bây giờ. Thời điểm năm 2008 bắt đầu khó khăn nhưng vẫn xuất hàng bình thường, nhưng đến năm nay sản phẩm bế tắc. Trong lúc khó khăn này DN chỉ duy trì việc làm cho người lao động và giữ chân khách hàng nước ngoài. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì LN sẽ mai một dần.
Khó khăn kéo dài, khiến người làm nghề không cầm cự nổi nên từ năm 2009, các DN không mặn mà với nghề đã chuyển sang kinh doanh nông sản, lâm sản và xây dựng. Từ đó, số lượng lao động thiếu việc làm trong xã tăng cao. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Tiến, toàn xã có 337ha đất nông nghiệp, trước kia khi LN phát triển, vào thời vụ, nông dân thuê người lao động nơi khác về cày cấy. Nhưng nay thiếu việc làm và kinh tế khó khăn buộc người làm nghề phải đi làm thuê hoặc quay trở lại với đồng ruộng. Nếu trước kia thanh niên tham gia làm nghề là chính, nay lực lượng này chỉ còn phụ nữ, trẻ em.
Hiện nay, xã Đông Phương Yên có khoảng 1.000 thanh niên đi làm xây dựng hoặc làm thuê cho các DN tại khu công nghiệp Phú Nghĩa. Mặc dù đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất nhưng theo ông Tiến, địa phương vẫn xác định phải tập trung giữ nghề để giải quyết lao động lúc nông nhàn, giúp người dân ổn định cuộc sống và giữ vững trật tự xã hội ở địa phương. Vì vậy, hằng năm xã mở từ 4 đến 5 lớp nhân cấy nghề mới cho bà con học các nghề: mộc dân dụng, mẫu thiết kế mới của nghề mây tre giang... Tuy nhiên, thu nhập từ nghề thấp khiến người dân chán nản và dường như LN suy thoái cũng làm cho con người ta trở nên "lười" hơn, không chăm chỉ làm nghề như trước!
Một LN mây tre đã tồn tại hàng trăm năm, giờ lao đao trước những sóng gió của suy thoái kinh tế. Dù biết không thể phát triển rầm rộ như trước, nhưng đây vẫn là nghề mưu sinh của hàng nghìn lao động địa phương nên nơi đây rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về vốn, mặt bằng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm… để mây tre đan Đông Phương Yên có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc và đứng vững tại các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.