Vang mãi lời ca “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”
Văn hóa - Ngày đăng : 07:49, 19/08/2012
Nhà thơ Lê Nguyên. |
Làm báo bên chiến hào
Trong căn phòng khách chỉ hơn 10m2, chúng tôi đặc biệt ấn tượng trước bức họa một góc phố Hà Nội được nhà thơ Lê Nguyên treo chính giữa phòng. Nhìn bức họa, ông bồi hồi: "Tôi xa Thủ đô từ trước ngày Toàn quốc kháng chiến, để chính thức bước vào cuộc đời binh nghiệp. Thấm thoắt đã 66 năm trôi qua mà vẫn mới như hôm qua!". Cuộc đời của nhà thơ Lê Nguyên được đánh dấu bằng những năm tháng làm báo ngay tại chiến hào chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Cuối năm 1953 đầu năm 1954, ông được Chính ủy Trần Độ cùng Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312, Tổng Biên tập tờ báo Anh Dũng, nhà báo Văn Phác giao nhiệm vụ làm phái viên đặc biệt chuyên cập nhật trực tiếp và xử lý thông tin tại mặt trận. Lúc đó tất cả mọi người từ trung đội trưởng trở lên đều phải có trách nhiệm làm cộng tác viên để viết hoặc cung cấp thông tin cho người viết cập nhật.
Tập thể những người làm báo Anh Dũng ngày ấy đều có phương châm phải làm sao cho nội dung tờ báo sinh động, thế nên tại mặt trận ác liệt, các phóng viên, cộng tác viên đã bám sát trận địa, tổng hợp thông tin, khẩn trương viết bài để tờ báo mang hơi thở nóng hổi của thực tế chiến trường, dù rằng công việc in báo lúc đó vẫn theo phương pháp thủ công, bằng lối viết chữ ngược lên phiến đá, quết mực, rồi áp từng tờ giấy dó vào phiến đá, dùng ru lô lăn để in xuôi hai mặt. Nhà thơ Lê Nguyên xúc động kể đọc lại nội dung một lá thư của chiến sĩ Nguyễn Văn Hải tại chiến trường gửi về: "Kính gửi anh Lê Nguyên! Em là Nguyễn Văn Hải đây. Em đang trụ trên đỉnh đồi C. Trước mặt em là khẩu súng trường cắm sẵn lưỡi lê, một khẩu tiểu liên, một khẩu súng phóng lựu. Chắc chắn thế nào rồi địch cũng sẽ phản công. Lợi dụng lúc im tiếng súng, em tranh thủ viết thư này để anh có tài liệu làm báo…". Tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội, lá thư đó được đặt trang trọng cùng với tờ báo Anh Dũng, bên trên là Lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" Bác Hồ đã trao tặng cho Sư đoàn 312.
Bài thơ "Hà Nội - Huế - Sài Gòn"
Sống ở TP Hồ Chí Minh được 33 năm nhưng Lê Nguyên chưa bao giờ nguôi cảm xúc mỗi khi nghe lại bài hát "Hà Nội - Huế - Sài Gòn". Ông kể: "Tôi sáng tác bài thơ này vào năm 1960. Hồi đó, đất nước còn đang bị chia cắt, hình ảnh những người con miền Nam tập kết ra Bắc liên hệ với người thân ở quê hương bằng những tấm thiệp đã gây xúc động mạnh, vì vậy tôi đã viết bài thơ "Hà Nội - Huế - Sài Gòn". Một năm sau, nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc và bài hát đã có sức sống mãnh liệt cho đến ngày nay". Điều đặc biệt là khi sáng tác bài thơ này, tác giả chưa đặt chân đến hai mảnh đất thân thương Huế và Sài Gòn. Huế trong tưởng tượng của ông là mảnh đất mộng mơ, phong cảnh đẹp lãng mạn, con người thân thương, dễ mến. Sài Gòn là nơi có những nét đặc trưng của đất phương Nam, của sông nước, của nắng và gió. Nhà thơ Lê Nguyên đã đưa cho chúng tôi xem bản sao, bản chép tay bài thơ "Hà Nội - Huế - Sài Gòn" do chính liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm chép lời, kẻ khuông nhạc được để trong ba lô cùng với cuốn nhật ký bất hủ. Có thể thấy, bài thơ được phổ nhạc đã được lớp trẻ ngày ấy rất yêu thích và được coi là hành trang cuộc sống, là niềm tin cho một ngày thống nhất non sông.
Trong phút ngẫu hứng, bằng giọng khàn đặc của người vào độ tuổi "xưa nay hiếm", Lê Nguyên đã cầm cây đàn ghi ta đệm và cất tiếng hát: "Trên đất mẹ nắng hồng như lúa/Trải nghìn năm gắn bó miền hai miền/Như cành chung gốc lớn lên/Như anh em của mẹ hiền…/Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội/Bên dãy Trường Sơn ngời sáng tin yêu/Sài Gòn vang lời ca bất khuất…".
Trong suốt cuộc đời sáng tác, đến nay Lê Nguyên đã có hơn 1.000 bài thơ, nhiều bài đã được phổ nhạc, không ít bài được dịch sang tiếng Pháp. Trong những vần thơ giàu cảm xúc, Lê Nguyên đã dành phần lớn tình yêu nồng nàn cho Hà Nội, nơi ông sinh ra, lớn lên với những ngôn từ da diết: "Hà Nội ơi! Đã bao lần tôi thốt lên tiếng gọi. Từ đáy lòng chạnh nhớ thầm yêu. Hà Nội ơi! Đã xa rồi, đã lâu rồi chưa trở về. Nơi tôi sinh ra bên Thành cổ Thăng Long. Nơi tôi lớn lên trong mùa thu Tháng Tám. Khi mỗi trái tim non cũng muốn cháy lên theo ánh sao vàng!" (bài thơ "Hà Nội ơi" sáng tác năm 2000).
Bên cạnh lĩnh vực thơ và nhạc, Lê Nguyên còn được biết đến với tư cách là một nhà biên kịch đã đoạt giải thưởng kịch bản phim Bông sen Bạc cho phim "Phường tôi"; giải vàng của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới cho phim "Hãy chặn tay bọn giết người"… Đặc biệt, Lê Nguyên đã viết hàng chục kịch bản phim tài liệu, 20 kịch bản phim hoạt hình và tham gia biên tập nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật như "Cánh đồng hoang"; "Về nơi gió cát"…
Bây giờ, tuy đã ở tuổi 81 nhưng nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên vẫn chưa ngừng nghỉ việc sáng tác. Ông sắp cho in tập thơ thứ 8 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành có tựa đề "Khát khao xanh". Ông nói: "Thơ và nhạc sẽ mãi song hành trong những năm tháng còn lại của cuộc đời tôi".