Thực hiện còn nan giải
Xã hội - Ngày đăng : 07:21, 17/08/2012
Đào tạo nghề mây tre đan cho người lao động tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền |
Về việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân, ông Quan Văn Thỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai cho rằng, vấn đề cốt lõi là phải tìm được thế mạnh và đặc thù của từng vùng để thực hiện. Còn nếu cứ làm theo phong trào, dạy nghề tràn lan sẽ không hiệu quả. Không ít thôn, xã mở lớp đào tạo nghề đan nón, thêu ren... cho nông dân nhưng không phát huy hiệu quả. "Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái đa canh, mô hình lúa chất lượng cao là thế mạnh của Thanh Văn. Chúng tôi sẽ làm theo hướng này để nâng cao thu nhập cho nông dân. Còn phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ trong điều kiện như ở Thanh Văn sẽ rất khó" - ông Thỉnh cho biết. Đề cập đến tiêu chí nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ông Khuất Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất phân tích: Mặc dù là xã nông nghiệp nhưng Đại Đồng có đến 265ha đất nằm trong quy hoạch đô thị sinh thái, chỉ còn gần 63ha đất canh tác nằm rải rác ở các thôn nên sẽ rất khó để phát triển trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn nâng cao giá trị thu nhập. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở Đại Đồng đạt 17 triệu đồng, sẽ rất khó nâng lên 25 triệu đồng/người/năm như đã đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã vẫn còn 7,1%, (193 hộ). Đa phần hộ nghèo nằm trong diện gia đình già cả neo đơn, bệnh tật hiểm nghèo. Với các hộ nghèo trong độ tuổi lao động hoặc không ốm đau thì còn có thể có giải pháp, còn các hộ nghèo trong diện bệnh tật và ngoài độ tuổi lao động sẽ rất khó thoát nghèo - ông Nhân chia sẻ. Ngay như ở một xã có làng nghề, thu nhập khá như Phùng Xá (Mỹ Đức), Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Kiên cũng phải thừa nhận, khi xây dựng NTM, vấn đề giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững tại địa phương cũng đang gặp khó khăn. Phùng Xá có nghề dệt truyền thống nhưng do kinh tế suy giảm, sản phẩm làng nghề tiêu thụ chậm nên số người không có việc làm thường xuyên cao, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 3,1%. Hầu hết các xã thuần nông, không có nghề phụ, thu nhập của người dân không ổn định. Thực tế, thời gian làm nông nghiệp của nông dân ở những xã thuần nông chỉ chiếm khoảng 30%, số thời gian còn lại họ xoay xở tìm kiếm mọi việc để tăng thu nhập cho gia đình nhưng cũng rất bấp bênh.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng đúng hướng sẽ góp phần nâng cao thu nhập, giúp nông dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Thái Hiền |
Ngoài những khó khăn đặc thù của một số địa phương thì vấn đề đầu tư phát triển sản xuất trong xây dựng NTM còn chưa được quan tâm nhiều. Điểm qua một số đề án xây dựng NTM của các địa phương như Đại Áng (Thanh Trì), Song Phượng (Đan Phượng), Liên Mạc (Mê Linh), Đại Đồng (Thạch Thất)... kinh phí dành cho xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội như đường giao thông, trường học, trạm y tế... chiếm phần lớn nguồn kinh phí. Phần kinh phí dành cho đầu tư phát triển sản xuất tỷ lệ rất thấp. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho rằng: Việc nâng cao thu nhập cho nông dân không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi một quá trình phát triển và tổ chức sản xuất hợp lý, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng được những chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Muốn làm được điều này phải ưu tiên nguồn kinh phí cho đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế thu nhập cao.
Thực tế, để hoàn thành tiêu chí về xây dựng công trình hạ tầng nông thôn chỉ cần vài ba năm là xong. Nhưng với phát triển sản xuất, đào tạo nghề cần có kế hoạch dài hơi, cụ thể. Tuy nhiên, khi xây dựng NTM các địa phương lại dồn trọng tâm vào xây dựng kết cấu hạ tầng, xem nhẹ nhóm tiêu chí phát triển sản xuất. Phải khẳng định, giao thông, trường học... là những điều kiện hạ tầng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Song, việc thay đổi tư duy, chú trọng đầu tư phát triển sản xuất bền vững mới là điều kiện để nông thôn đổi mới về thực chất.