Afghanistan: Chưa thể “lấp” lỗ hổng an ninh
Thế giới - Ngày đăng : 07:19, 17/08/2012
Hiện trường một vụ đánh bom xe ở thủ đô Kabul.
Trong một diễn biến mới, ngày 14-8, tại thành phố Zaranj, thủ phủ của tỉnh Nimroz, nơi được xem là khá yên ổn, ở miền Tây Nam Afghanistan đã xảy ra 3 vụ đánh bom liều chết làm ít nhất 36 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương. Trước đó, ngày 12-8, các lực lượng vũ trang Afghanistan và liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu đã đập tan âm mưu thực hiện hàng loạt vụ tấn công liều chết ở thủ đô Kabul, bắt giữ 5 đối tượng tình nghi có liên quan đến phiến quân ở Pakistan. Cùng ngày, các lực lượng Afghanistan và Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế tại Afghanistan (ISAF), cũng đã mở chiến dịch quân sự liên hoàn truy quét phiến quân ở các tỉnh Kunar, Laghman, Takhar, Kandahar, Uruzgan, Logar và Ghazni đã tiêu diệt khoảng 40 phần tử Taliban, bắt giữ 30 đối tượng khác; đồng thời phát hiện và thu giữ một lượng lớn vũ khí. Chiến dịch này được thực hiện một ngày trước vụ Taliban cài cắm thành công một nội gián vào hàng ngũ cảnh sát và nổ súng khiến 11 nhân viên an ninh Afghanistan và 3 binh sĩ Mỹ thuộc ISAF thiệt mạng.
Như vậy, mặc dù, phương Tây cố cho rằng, Kabul hiện đã đủ năng lực đảm đương trọng trách an ninh cho đất nước nhưng, thực tế luôn là câu trả lời rõ nhất. Nó cho thấy, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, lực lượng Taliban tại đây chẳng những không bị tiêu diệt mà còn không ngừng lan rộng từ Afghanistan sang cả nước láng giềng Pakistan, một số nước Châu Phi và Đông Nam Á...
Với chính quyền Kabul, theo giới quan sát, tiền của mà Mỹ và NATO đổ vào nhằm vực dậy quốc gia này sau cuộc chiến đã và đang bị "bốc hơi" một cách khó hiểu. Đầu tháng 8 này, kênh truyền hình độc lập Tolo của Afghanistan loan báo đã có trong tay bản sao kê tài khoản ngân hàng của Bộ trưởng Tài chính Afghanistan Omar Zakhilwal. Theo đó, hơn 1 triệu USD đã được gửi vào tài khoản này từ năm 2007 đến năm 2011. Sau đó, phần lớn số tiền đã được chuyển ra nước ngoài, trong đó có 100.000 USD chuyển tới một ngân hàng ở Canada để mua một căn nhà. Người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng của Afghanistan, Azizullah Ludin cho biết sẽ điều tra vụ việc bởi thu nhập của quan chức này chỉ vào khoảng 4.000 USD/tháng. Do đó, không ai dám chắc số tiền viện trợ của phương Tây để tái thiết quốc gia Tây Nam Á này không bị xà xẻo. Đây cũng là nguyên nhân mà Afghanistan được xem là một trong những quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất trên thế giới.
Trong khi đó, với người dân Afghanistan, hơn 10 năm sau khi Mỹ và phương Tây lật đổ chế độ Taliban, cuộc sống của họ vẫn "dậm chân tại chỗ" nếu như không muốn nói là ngày một bi đát hơn. Chiến tranh, xung đột đã làm quốc gia này kiệt quệ. Trong khi đó, hiện Afghanistan đang cần thêm khoảng 10 tỷ USD mới có thể thúc đẩy quá trình xây dựng đất nước.
Những gì đang diễn ra đã lý giải nguyên nhân khó khăn hiện nay của Afghanistan. Viễn cảnh mà Mỹ và phương Tây khi chinh phạt lực lượng Taliban và Al-Qaeda dựng lên ở quốc gia này về một nền dân chủ thật sự vẫn còn ở đâu đó rất xa trong khi cuộc sống của người dân Afghanistan đang ngày một bần cùng hơn cả về kinh tế lẫn một nền an ninh bấp bênh.