Bài cuối: Hồi chuông cảnh tỉnh
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:11, 17/08/2012
Cụ thể, năm 2009 UBND thành phố ra quyết định thu hồi đất của 7 tổ chức với tổng diện tích 23.678,7m2, năm 2010 là 13 tổ chức với 135.913m2; năm 2011 là 9 tổ chức với 56.255,8m2. Tổng cộng trong 3 năm liên tục diện tích thu hồi mới chỉ là 215.846m2 thì chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2012, Sở Tài nguyên Môi trường đã trình thành phố ra quyết định thu hồi đến 8.131.511m2 đất của 10 tổ chức.
Một khu “đất vàng” bỏ hoang ở đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân).
Vi phạm tràn lan
Ngoài hai đơn vị bị đề nghị thu hồi đất vi phạm đã thông tin ở kỳ trước, có thể kể thêm chi nhánh Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam - Nhà máy cơ khí công trình với 23.742,5m2 tại số 199 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng bị thu hồi vì không thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất. Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam bị thu hồi 10.000m2 tại cụm công nghiệp Duyên Thái, huyện Thường Tín. Tiếp theo, 4 doanh nghiệp nữa là Công ty TNHH xây dựng Thuận Đạt tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ bị thu hồi 22.083m2 vì sau hai lần được gia hạn vẫn không khắc phục vi phạm; Công ty TNHH Vina Apolo Tech bị thu hồi 13.020m2 tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ vì không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước; Chi nhánh Lương thực Phú Tín - Công ty Lương thực Hà Sơn Bình bỏ hoang 1.000m2 đất tại tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên từ năm 2010. Thậm chí, một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Hương Đạt chỉ quản lý 400m2 đất tại số 68, ngõ 42 phố Lạc Trung, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng sử dụng sai mục đích cũng đã bị đoàn thanh tra, đưa vào danh sách phải thu hồi. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp nhà nước khác là Công ty CP cầu 5 Thăng Long bỏ hoang 1.172m2 đất tại khu bờ bắc sông Hồng, quận Long Biên từ năm 2001 và Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho một công ty tư nhân thuê toàn bộ diện tích 1.542m2, sau đó công ty này xây nhà hai tầng rồi cho đơn vị khác thuê lại cũng nằm trong danh sách đề nghị thu hồi đợt này.
Theo kết quả kiểm tra mới nhất của Sở Tài nguyên Môi trường, trong tổng số 32 khu đất của 23 chủ đầu tư tại 4 quận, huyện Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm thì có đến 19 khu đất trống chưa sử dụng với diện tích khoảng 309.368m2; 10 khu đất khác sử dụng sai mục đích như làm bãi đỗ xe, gara ô tô, sân bóng đá, hàng ăn với diện tích khoảng 159.328m2. Vài năm gần đây, khu vực tam giác phát triển đô thị mạnh nhất là Thanh Xuân - Cầu Giấy - Từ Liêm có giá chuyển nhượng đất cao bậc nhất trên địa bàn thành phố, có thời điểm lên đến 300 triệu đồng/m2, lại là khu vực có nhiều đất để hoang hóa nhất, trong đó nhiều dự án vi phạm kéo dài nhiều năm. Điển hình nhất là cụm dự án cuối đường Lê Văn Lương, UBND thành phố đã phê duyệt từ giữa năm 2004 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chỉ quây tôn để… "trồng" cỏ dại. Hay 5.000m2 đất ở cuối đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy mà Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ năm 2008 đến nay vẫn "án binh bất động". Ngoài ra, còn hàng loạt khu "đất vàng" khác thuộc địa bàn huyện Từ Liêm như 7.463m2 tại khu đô thị Mỹ Đình II của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị HUD; 9.077m2 tại khu đô thị Mễ Trì Hạ của Công ty CP tu tạo và phát triển nhà, khu đất 19.962m2 tại khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì… cũng đang nằm trong danh sách rà soát, hoàn thiện thủ tục đề nghị thành phố ra quyết định thu hồi thời gian tới.
Kiểm soát lỏng lẻo
Căn cứ vào khoản 12, Điều 38, Luật Đất đai 2003, tiêu chí đối với loại đất dự án thuộc diện phải thu hồi rất rõ ràng. Đó là các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư không sử dụng đất sau 12 tháng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa mà không được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho phép. Đây cũng là một nội dung quan trọng, thường được ghi trong các quyết định giao đất của UBND thành phố thời gian qua. Tuy quy định đã khá chặt chẽ, rõ ràng như vậy nhưng trên thực tế việc kiểm tra, giám sát để phát hiện các tổ chức nhận đất để… cỏ mọc là chưa kịp thời, vì vậy việc xử lý vi phạm chưa hiệu quả. Theo thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường, có ba nguồn chính để phát hiện vi phạm trong quản lý sử dụng đất, đó là báo cáo của chính quyền địa phương, phát hiện của các đoàn thanh tra, kiểm tra và thông tin từ người dân và các cơ quan báo chí. Trên thực tế, công tác kiểm tra của các cấp chính quyền là hiệu quả nhất, nhưng đến nay vẫn chưa có chế tài nào quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc để "lọt lưới" những tổ chức sử dụng đất vi phạm kéo dài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng đất lãng phí, chủ yếu do các tổ chức không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc thay đổi phương án sản xuất kinh doanh nhưng không kịp thời bố trí vốn và triển khai phương án mới. Bên cạnh đó, một số tổ chức được giao sử dụng đất lại là đối tượng điều chỉnh của chính sách kinh tế vĩ mô về tín dụng, quy hoạch. Có thể lấy trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Nam Cường làm ví dụ cho nguyên nhân này. Một nguyên nhân phổ biến khác trong thời điểm hiện nay là thị trường nhà đất đang đóng băng, kinh tế gặp khó khăn, nhiều tổ chức kinh doanh bất động sản không huy động được vốn… Tại thời điểm kiểm tra, có nhiều đơn vị, tổ chức được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh nhưng không sử dụng đất theo dự án được phê duyệt, hoặc chỉ sử dụng một phần diện tích được giao, còn lại cho thuê nhà xưởng, mặt bằng hoặc liên doanh, liên kết sai quy định.
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường Trần Anh Dũng cho biết, công tác thanh tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố nhiều năm qua gặp nhiều khó khăn, như thái độ bất hợp tác của các đối tượng thanh tra (vắng mặt tại thời điểm công bố quyết định thanh tra, chậm cung cấp tài liệu hồ sơ sử dụng đất…). Từ ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa cụ thể, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau cũng gây khó khăn không nhỏ trong việc áp dụng để xử lý vi phạm.
Thừa nhận tình trạng sử dụng đất sai mục đích, để hoang hóa đang là vi phạm khá phổ biến trên địa bàn thành phố, dẫn đến sự lãng phí rất lớn trong việc sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này, ông Mai Xuân Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý công sản Hà Nội nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân. Cũng theo ông Vinh, việc thu hồi đất sử dụng sai mục đích, đất để hoang hóa là công việc thường xuyên, liên tục của các ban, ngành chức năng và UBND thành phố, dù đã thực hiện nhiều đợt nhưng thời gian trước còn chưa quyết liệt diễn ra lẻ tẻ, khiến một số tổ chức vi phạm có biểu hiện "nhờn thuốc". Lần này không chỉ phạm vi thu hồi rộng, số lượng diện tích thu hồi lớn mà danh sách tổ chức vi phạm đều được đồng loạt công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là một giải pháp cần thiết, kịp thời, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn thành phố, đồng thời như hồi chuông cảnh tỉnh để các tổ chức sử dụng đất nhìn lại mình, sắp xếp lại các phương án sản xuất, kinh doanh, nhằm sử dụng đất hiệu quả.