Quá nhiều lỗ hổng trong quản lý bán hàng đa cấp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:57, 17/08/2012

Trong 5 năm, doanh thu bán hàng đa cấp (BHĐC) đã tăng hơn 6,5 lần, từ 614 tỷ đồng năm 2006 lên hơn 4.000 tỷ đồng năm 2011. Hiện đã có hơn 1 triệu người trên cả nước tham gia mạng lưới BHĐC. Thế nhưng việc quản lý hoạt động kinh doanh này cho đến nay vẫn còn nhiều lỗ hổng…


Tại hội thảo "Công tác quản lý hoạt động BHĐC" do Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16-8, ông Phan Đức Quế, Trưởng ban điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương) cho biết, có 76 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh theo mô hình đa cấp. Hà Nội có số lượng nhiều nhất với 38 DN BHĐC. Tiếp theo là TP Hồ Chí Minh với 34 DN. Tuy nhiên, tính đến tháng 7-2012 chỉ còn 51 DN đang hoạt động, số còn lại, 23 DN tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động, 2 DN đã bị rút giấy phép. Có 3 DN 100% vốn nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam. Có hơn 4.400 mặt hàng đang được kinh doanh theo mô hình này, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dụng cụ thể thao, vật lý trị liệu…

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Đồng Nai) cho rằng, trên lý thuyết BHĐC có nhiều ưu điểm như loại bỏ được các khâu trung gian trong việc thiết lập cửa hàng, tiết kiệm chi phí quảng cáo, chống được hàng gian hàng giả... Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng đồng ý rằng mô hình này nếu làm tốt sẽ rất hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho cả DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế BHĐC đã xảy ra nhiều biến tướng, một số DN không lo bán hàng mà chỉ cố lôi kéo người tham gia để kiếm lời. Sở dĩ có tình trạng này, theo ông Nhung là do các quy định pháp luật về BHĐC còn nhiều lỗ hổng. Từ khâu cấp giấy phép, nếu địa phương này không cấp phép thì DN vẫn có thể tìm mọi cách đăng ký ở địa phương khác. Khi có giấy phép rồi việc giám sát hoạt động của các DN này gần như không có. Còn theo ông Nguyễn Văn Lĩnh, lỗ hổng lớn nhất của BHĐC là phần lớn DN này thường đăng ký kinh doanh một tỉnh nhưng lại sang tỉnh khác hoạt động. Trong khi đó, Nghị định 110 /2005/NĐ-CP về quản lý BHĐC quy định DN chỉ có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần với Sở Công thương nơi đăng ký kinh doanh mà không cần báo cáo với nơi mở rộng hoạt động. Vì vậy nên dù DN đang hoạt động tại địa phương mình nhưng cơ quan chức năng không có được thông tin để quản lý.

Các sở công thương kiến nghị, cần bổ sung quy định DN BHĐC phải báo cáo định kỳ 6 tháng một lần cho sở công thương nơi DN hoạt động; tăng cường cơ chế phối hợp giữa hai địa phương, nơi DN có trụ sở chính và nơi DN tổ chức BHĐC để quản lý. Bên cạnh đó là tăng mức phạt, vì hiện mức phạt DN BHĐC không đăng ký chỉ là 20-30 triệu đồng, quá nhẹ nên có tình trạng DN cố tình không đăng ký với cơ quan quản lý để hoạt động bất chính, chấp nhận chịu phạt nếu bị phát hiện.

Đặng Loan